Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội

Thứ Năm, 7/7/2011, 22:32 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Quyết định 1081/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Theo Quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2015 đạt 12-13%/năm, thời kỳ 2016-2020 đạt khoảng 11-12%/năm và khoảng 9,5-10%/năm thời kỳ 2021-2030.

Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000-17.000 USD vào năm 2030 (tính theo giá thực tế).

Quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2 - 7,3 triệu người, năm 2020 khoảng 7,9 - 8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020, đưa Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực.


Phát triển Thủ đô Hà Nội thành động lực
thúc đẩy phát triển đất nước

Phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ

Nhằm phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, khuyến khích phát triển các lĩnh vực dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bưu chính - viễn thông, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục-đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng.

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước, đồng thời Hà Nội tiếp tục giữ vai trò là một trong những trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc.

Dự kiến xây mới và mở rộng 15 khu công nghiệp

Bên cạnh dịch vụ, Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm...

Trong giai đoạn đến năm 2015, tiếp tục triển khai 9 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 dự kiến xây dựng mới và mở rộng 15 KCN; phát triển các cụm công nghiệp ở ngoại thành, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục triển khai phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao; kết hợp giữa phát triển các làng nghề với phát triển du lịch...

Mỗi năm giải quyết việc làm cho 135 - 140 nghìn người

Song song với phát triển kinh tế, Hà Nội cũng tập trung giải quyết vấn đề lao động, việc làm, phấn đấu trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 135 - 140 nghìn người giai đoạn 2011-2015 và tăng lên 155 - 160 nghìn người giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, với danh hiệu cao quý Thủ đô anh hùng, Thành phố vì Hòa bình, tiêu biểu cho cả nước. Giữ vững và nâng cao vị thế hàng đầu của giáo dục - đào tạo, là nòng cốt cho xây dựng văn hóa người Hà Nội, xây dựng xã hội học tập và tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức...

Mở rộng, kết hợp xây mới các trục chính đô thị

Cũng theo Quy hoạch tổng thể này, vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đặt ra là giải quyết ách tắc giao thông gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, các công trình ngầm,...

Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành xây dựng các quốc lộ và cao tốc hướng tâm, vành đai giao thông đô thị 2 và 3 (kể cả đường trên cao), xây dựng các vành đại giao thông liên vùng (vành đai 4 và 5).

Giao thông thành phố được mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục chính đô thị nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội, kết nối trung tâm Thủ đô với các khu đô thị mới, các trục của khu vực phía Tây thành phố.

Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành nâng cấp mạng lưới đường bộ khu vực, mở rộng trục Đông - Tây (đường vành đai 1 cũ). Nâng cấp, tăng cường quản lý, khai thác các đường phố chính, đường khu vực. Xây dựng hệ thống bãi đỗ xe ngầm, cao tầng tại khu vực nội thành.

Không gian đô thị Hà Nội tổ chức theo mô hình chùm đô thị

Với định hướng chung là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ).

Tại đô thị trung tâm là bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và Thành phố, trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Phát triển nhanh các đô thị vệ tinh

Các đô thị vệ tinh như: đô thị Hòa Lạc, đô thị Sơn Tây, đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên, đô thị Sóc Sơn. Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở,...

Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học - công nghệ và đào tạo.

Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế.

Đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề.

Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa.

Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc.

Khu vực ngoại thành hình thành các vành đai cây xanh

Khu vực ngoại thành sẽ hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn. Phát triển các vùng rau, hoa cây cảnh cao cấp, thực phẩm sạch. Nhân rộng các mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành tại Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh.

Hình thành các khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn - Quan Sơn.

Theo Quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2015 là từ 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD); và khoảng 2.500 - 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020.

Theo Chinhphu.vn
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến