(Thethaovanhoa.vn) - Trong một động thái đầu tiên nhằm vào Nga kể từ khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một số cá nhân và thực thể của Nga liên quan vụ Navalny. Động thái đối đầu trên của Mỹ với Nga khiến những nỗ lực giải quyết các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm càng trở nên khó khăn hơn.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày 16/7/2018 tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), tập trung thảo luận về quan hệ song phương, an ninh quốc gia và các vấn đề quốc tế nổi bật.
* Căng thẳng từ vụ “Navalny”
Hồi tháng 8/2020, Thủ lĩnh đối lập người Nga Alexei Navalny, 44 tuổi, đã bị ngã bệnh trên một chuyến bay ở Siberia và được đưa tới Đức - nơi các bác sĩ kết luận rằng ông đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Vụ việc đã làm leo thang căng thẳng giữa Nga với một số nước phương Tây khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho rằng Novichok là chất kịch độc mà chỉ có các cơ quan tình báo cấp cao của Nga mới có thể sản xuất và sở hữu. Điện Kremlin đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào gây ra tình trạng sức khỏe xấu của ông Navalny và cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nhân vật này bị đầu độc.
Sau đó, ông Navalny đã bị bắt hôm 17/1/2021 khi trở về từ Đức sau đợt điều trị ngộ độc trên. Trước khi bị bắt, phía Nga đã từng cảnh báo họ sẽ bắt giữ Navalny và đề nghị toà án tuyên phạt tù ông này, với cáo buộc Navalny trốn tránh sự giám sát liên quan đến một bản án mà ông bị tuyên phạt cách đây 7 năm. Hồi năm 2014, ông Navalny bị tuyên mức án 3 năm rưỡi tù cho hưởng án treo, cùng 5 năm bị quản chế do có dính líu đến một vụ án gian lận thương mại.
Đến đầu tháng 2/2021, một tòa án ở thủ đô Moskva đã chấp thuận đề nghị của cơ quan công tố về áp dụng hình thức tù giam đối với Navalny do ông liên tục không thực hiện yêu cầu đến trình diện trong thời gian thụ án treo. Theo quyết định của thẩm phán, bản án 3 năm 6 tháng tù án treo được áp dụng đối với nhân vật này vào năm 2014 được chuyển thành án tù giam.
Bởi vậy, ông Navalny đã bị bắt giam vào ngày 2/2/2021 và bị chuyển đến trại tạm giam hôm 1/3, trong khi ông này vẫn cáo buộc đây là những động thái mang tính chính trị.
Trước những diễn biến trên, một số quốc gia phương Tây như Mỹ, Đức, Pháp, Anh đã lên án vụ bắt giữ Navalny và kêu gọi Moskva trả tự do cho ông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phản ứng của phương Tây là “chiến dịch phối hợp toàn cầu nhằm kiềm chế Nga và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này”.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng liên quan đến một loạt vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Belarus, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu địa chính trị về Nga Nicolai Petrov cho rằng vụ việc trên sẽ có tác động dài hạn đối với mối quan hệ giữa hai bên và kịch bản về một lệnh trừng phạt nhằm vào một số cá nhân và thực thể của Nga rất dễ xảy ra.
* Áp đặt trừng phạt
Ngày 2/3/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một số cá nhân và thực thể của Nga nhằm đáp trả việc Moskva bắt giam nhân vật đối lập Alexei Navalny, với cáo buộc tình báo Nga đã cố gắng sát hại ông Navalny vào năm ngoái.
Một số quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 thành viên của chính phủ Nga, cũng như kiểm soát xuất khẩu đối với một số thực thể kinh doanh liên quan đến sản xuất các tác nhân sinh học. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 14 nhóm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì sản xuất tác nhân sinh học và hóa chất, bao gồm 9 tổ chức thương mại ở Nga, 3 ở Đức và 1 ở Thụy Sĩ.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào các quan chức Nga và một trung tâm nghiên cứu của Nga, vốn trước đó đã bị EU và Anh trừng phạt vào tháng 10/2020 vì liên quan đến vụ đầu độc ông Navalny.
Quyết định này của Mỹ được đưa ra sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng, các sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny. Reuters đánh giá đây là “thách thức trực diện nhất” cho đến nay của chính quyền của Tổng thống Joe Biden đối với Điện Kremlin.
Trước đó, vào ngày 1/3, EU cũng nhất trí áp đặt trừng phạt đối với 4 quan chức cấp cao trong ngành tư pháp và thực thi pháp luật của Nga với cùng cáo buộc nói trên. Phản ứng lại, Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc này và nói không có bằng chứng ông Navalny bị đầu độc. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố các biện pháp trừng phạt Mỹ mới áp đặt là bằng chứng về "hành động tấn công thù địch chống Nga" và Moskva sẽ đáp trả tương xứng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nhấn mạnh: "Tất cả những điều này (việc áp đặt trừng phạt) chỉ là viện cớ cho việc tiếp tục can thiệp công khai vào công việc nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này. Chúng tôi sẽ đáp trả dựa trên nguyên tắc có đi có lại, tuy nhiên không nhất thiết đối xứng".
Bà Zakharova khẳng định Nga sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình và đáp trả mọi sự gây hấn, đồng thời cho biết Mỹ có thể lựa chọn "đối thoại ngang bằng" với Nga trên cơ sở hợp lý. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/3 tuyên bố Moskva sẽ đáp trả tương xứng bất kì biện pháp trừng phạt mới nào của Mỹ, trong khi đại sứ Nga tại EU cũng tuyên bố đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU đối với 4 quan chức cấp cao của Nga.
Trong một động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình, Bộ Tư pháp Nga ngày 3/3 cho biết họ đã bổ sung tổ chức nghiệp đoàn y tế có liên quan tới chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị bỏ tù vào danh sách "điệp viên nước ngoài".
* Tiếp tục là thách thức
Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một số cá nhân và thực thể của Nga liên quan đến vụ Navalny là hành động trừng phạt đầu tiên của Tổng thống Biden nhằm vào Nga, kể từ lúc ông nhậm chức đầu năm nay, và diễn ra ngay sau lệnh áp đặt trừng phạt Mokva của EU. Chính vì vậy, đây được cho là động thái thể hiện quyết tâm hợp tác của Nhà Trắng với các đồng minh châu Âu.
Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời chính quyền mới, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập tới nhiều thách thức mà Washington đang phải đối mặt hiện nay đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc cần khôi phục lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh cũng như cơ chế đa phương.
Còn về quan hệ Mỹ-Nga, cho dù việc Mỹ và Nga đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vốn gặp khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Trump thêm 5 năm hồi đầu năm nay được xem là một động thái tích cực, song theo giới phân tích, Moskva cũng không đặt nhiều kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương với Washington dưới thời Tổng thống Biden.
Trên thực tế, thời còn làm Phó Tổng thống và ngay cả khi tranh cử Tổng thống Mỹ cũng như sau khi nhậm chức, ông Biden đã thể hiện quan điểm không cố gắng "cài đặt lại" mối quan hệ với Nga như những gì được khởi xướng trước đây bởi cựu Tổng thống Barack Obama. Chính Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã khẳng định “Nga không mong chờ điều gì tốt đẹp về tương lai quan hệ song phương với Mỹ.
Moskva có thể chuyển sang cách tiếp cận tối thiểu với Mỹ và chỉ duy trì “đối thoại có chọn lọc” ở những vấn đề mà Nga có lợi ích. Cuối cùng thì chỉ có người Mỹ mới có thể quyết định điều gì, khi nào và theo cách nào để tạo dựng quan hệ song phương với Nga”.
Như vậy, với các biện pháp áp đặt trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga kể từ khi nhậm chức, quan hệ Nga-Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục là một thách thức dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Thanh Lâm - TTXVN