Phụ nữ Ấn Độ bao giờ mới thoát vấn nạn xâm hại tình dục?

Thứ Tư, 22/2/2017, 8:9 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Một thực tế đáng buồn ở Ấn Độ: những phụ nữ tại đây quá dễ dàng trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục man rợ - dù họ là một cá nhân bình thường hay một minh tinh hạng A.

Được xem là thách thức lớn nhất đối với chính quyền New Delhi, hồ sơ về những vụ cưỡng hiếp vừa nối dài với một nạn nhân mới: nữ diễn viên Bhavana.

Vụ việc xảy ra vào đêm 17/2, khi ngôi sao này trên đường về nhà sau khi quay phim. Cô bị một nhóm đàn ông bất ngờ tấn công, ép tài xế tiếp tục lái xe, rồi thực hiện hành vi cưỡng hiếp tập thể suốt 2 giờ đồng hồ. Những kẻ thủ ác còn ghi hình và chụp ảnh lại quá trình gây án nhằm bịt miệng và tống tiền nạn nhân.

Báo cáo Điều tra sơ bộ của cảnh sát cho thấy Sunil, trước đây từng là tài xế cho Bhavana, là một trong những thủ phạm, đồng thời là chủ mưu. Hắn đang bị truy nã trên toàn quốc. Còn lái xe hiện nay (Martin) cũng đã bị bắt giam để thẩm vấn.

Những lý do đáng buồn

Trung bình, 4/5 phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng quấy rối nơi công cộng, từ cái nhìn dung tục, lời nói thô lỗ, sờ soạng cho tới cưỡng hiếp. Đây là kết quả từ một cuộc khảo sát do tổ chức từ thiện ActionAid tiến hành năm 2016.


Nữ diễn viên Bhavana

Theo một báo cáo khác, cứ 15 phút lại có một vụ cưỡng hiếp xảy ra ở đất nước này và nếu cứ lấy số liệu đó nhân với 24 giờ, rồi 365 ngày trong năm, ta sẽ ra một con số kinh hoàng. Và khi công bố kết quả trên, trang Daily Beast nhấn mạnh rằng đó chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì đa số những trường hợp đều không được trình báo.

Một lời giải thích cho vấn nạn cưỡng dâm đang diễn ra là tỷ lệ nam/nữ lệch nhau khá lớn. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ đang hứng chịu tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sau một thời gian dài người dân mong muốn những bé trai chào đời thay vì bé gái. Theo điều tra dân số Ấn Độ, tỷ lệ giới tính nam/nữ đã tăng từ 102,4/100 vào năm 1961 lên 112/100  trong năm 2011.

Ngoài ra, nền văn hóa còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ  tại đây cũng khiến đa số nam giới tự cho mình quyền chà đạp lên những người phụ nữ. Ngược lại, phái yếu đa số giữ quan điểm cam chịu và không dám chống đối những bất công mình phải hứng chịu.

Hệ thống pháp luật thiếu nghiêm ngặt, lực lượng cảnh sát mỏng, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao… cũng là những nguyên nhân không thể bỏ qua.

"Làn sóng" bảo vệ phụ nữ đã bắt đầu

Một buổi tối tháng 12/2013, một nữ sinh viên y khoa 23 tuổi đi xem phim về cùng bạn trai thì bị một nhóm thanh niên tấn công trên xe bus tại Ấn Độ. Cô gái bị cưỡng hiếp nhiều lần và qua đời sau đó, trong khi người bạn đi cùng bị đánh trọng thương bằng gậy sắt.

Vụ việc làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trong cộng đồng, khiến 3 kẻ tấn công nhanh chóng bị trừng trị thích đáng với án tử hình. Vài tháng sau, chính phủ thông qua một dự luật mở rộng định nghĩa của hành vi phạm tội tình dục, bao gồm rình rập, cởi quần áo và tấn công bằng axit.

Bhavana, 31 tuổi là diễn viên hạng A tại Ấn Độ. Cô được biết đến từ năm 16 tuổi qua vai diễn đầu tay trong phim Nammal và nhanh chóng nổi tiếng. Giới truyền thông khá ưu ái nữ diễn viên và đánh giá cô là tài sắc vẹn toàn.

Theo Cục Dữ liệu Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, số đơn trình báo về bạo lực, bao gồm hãm hiếp, sử dụng vũ lực và bắt cóc nhằm vào phụ nữ năm 2014 đã tăng 9% so với trước đó, lên 337.922 vụ việc. Ít nhất, điều này thể hiện người bị hại đã ngày càng mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng bảo vệ chính mình.

Trở lại với trường hợp của Bhavana, tên của nữ diễn viên hiện đang là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Ấn Độ vài ngày qua. Một số người trong ngành đã nhân cơ hội này kể lại những lần bản thân bị xâm hại, như diễn viên Varalaxmi, người tố cáo một lãnh đạo chương trình truyền hình sàm sỡ mình vài tuần trước.

Không chỉ trong ngành giải trí, một làn sóng kêu gọi ủng hộ Bhavana đang lan rộng trong cộng đồng, thúc đẩy chính quyền nhanh chóng  đưa thủ phạm ra ánh sáng, đồng thời kêu gọi mọi người có quan điểm đúng đắn trong việc bảo vệ phụ nữ.

Tuy vẫn còn xa mới đến ngày những phụ nữ Ấn Độ không phải chịu cảm giác lo lắng mỗi khi ra đường, những hành động ngày càng quyết liệt của chính phủ và người dân nước này cũng là tín hiệu vui, báo hiệu nhiều thay đổi tích cực trong tương lai.

Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến