(Thethaovanhoa.vn)- Nga coi phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Kay Bailey Hutchison, rằng Mỹ sẵn sàng phá hủy các tên lửa của Nga mà Washington cho là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), là nguy hiểm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/10 đã đưa ra tuyên bố trên, đồng thời cho rằng những người phát biểu như vậy có vẻ không nhận thức được mức độ trách nhiệm của mình cũng như sự nguy hiểm của những lời nói khoa trương mang tính gây hấn.
Theo bà Zakharova, các chuyên gia quân sự Nga sẽ đáp trả cụ thể đối với những lời đe dọa kiểu như vậy.
Liên quan việc NATO tăng cường hiện diện tại khu vực Bắc Na Uy, bà Zakharova khẳng định Nga sẽ có biện pháp đáp trả nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
Theo bà, việc gia tăng hoạt động chính trị-quân sự của NATO tại khu vực Bắc Cực, nhất là khu vực giáp ranh với Nga và Na Uy, không phải khó nhận thấy.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ quốc gia láng giềng Na Uy gần đây đã có những bước đi không thân thiện khi cho phép tăng gấp đôi số lính thủy đánh bộ của Mỹ hiện diện tại nước này, từ 330 lên 700 binh sĩ, và gia hạn thời gian luân phiên đồn trú lên 5 năm.
Trong khi đó, trên thực tế, binh sỹ Mỹ lại hiện diện thường xuyên tại Na Uy và mở rộng phạm vi hoạt động ở phía Bắc nước này, thậm chí cuối tháng 10 tới sẽ tiến sát biên giới với Nga khi NATO tiến hành cuộc tập trận Trident Juncture 2018 được xem là quy mô nhất từ trước đến nay ở Na Uy với sự tham gia của hơn 40.000 binh sỹ từ hơn 30 quốc gia.
Bà Zakharova cảnh báo những hành động vô trách nhiệm như vậy sẽ gây mất ổn định tình hình chính trị-quân sự tại phương Bắc, làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại nền tảng quan hệ Nga-Na Uy.
Trước đó cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại NATO Hutchison cho rằng Nga phải dừng việc phát triển những tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể "loại bỏ" hệ thống này nếu nó đi vào hoạt động.
NATO cho rằng hệ thống 9M729 của Nga vi phạm Hiệp ước INF. Hiệp ước này được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987.
Các bên cam kết sẽ không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500km).
Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện Hiệp ước INF, hai bên cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận.
TTXVN
Nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết sáng sớm 29/4, Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo từ một địa điểm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng song vụ thử dường như đã thất bại.