(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo hơn 8.000 cảnh sát sẽ được triển khai tại thủ đô Paris ngày 8/12 tới để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trong cuộc họp nội các ngày 5/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu phe đối lập "kêu gọi người dân giữ bình tĩnh". Yêu cầu này cũng được Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Hạ viện.
Trên kênh truyền hình TF1 ngày 6/12, ông Philippe cho biết tổng cộng 89.000 cảnh sát sẽ được huy động trên khắp cả nước trong ngày 8/12, cao hơn so với con số 65.000 cảnh sát được triển khai vào dịp cuối tuần qua. Bên cạnh đó, khoảng 12 chiếc xe bọc thép sẽ được đưa tới Paris như là một phần trong các biện pháp đặc biệt nhằm hạn chế nguy cơ bạo lực.
Trong khi đó, những nhà quản lý cho biết Tháp Eiffel, bảo tàng Louvre và hàng chục cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysee dự kiến đóng cửa ngày 8/12 trước nguy cơ phong trào "áo vàng" tiếp tục biểu tình.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Pháp cảnh báo nguy cơ bùng phát thêm một làn sóng bạo lực và bạo loạn nghiêm trọng ở thủ đô Paris vào cuối tuần này, mặc dù chính phủ đã thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của phong trào "áo vàng".
Theo một quan chức thuộc Văn phòng Tổng thống Pháp, giới chức tình báo nước này cho rằng nhiều người biểu tình sẽ đổ về Paris ngày 8/12 tới để "phá hoại và giết chóc".
Cuộc biểu tình của lực lượng "áo vàng" vốn xuất phát từ bất mãn đối với việc tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang trong suốt 3 tuần qua, gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều người biểu tình quá khích đã phóng hỏa đốt ô tô, cướp phá các cửa hàng và thậm chí còn bôi bẩn Khải Hoàn Môn, công trình biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp. Hơn 200 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.
Mặc dù Chính phủ Pháp ngày 4/12 thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số biện pháp nhượng bộ khác nhằm xoa dịu tình hình, song phong trào "áo vàng", trong đó có nhiều phần tử cực hữu, vẫn đang tiếp tục huy động lực lượng biểu tình vào cuối tuần này.
Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân. Chính phủ Pháp cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người đã đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố lớn để phản đối.
TTXVN/Nguyễn Hằng