(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ mở Đại sứ quán ở Đông Jerusalem. Đây được xem là động thái phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trong một bài phát biểu, Tổng thống Erdogan tiếp tục chỉ trích gay gắt quyết định của Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố nước này sẽ mở Đại sứ quán ở Đông Jerusalem.
Trước đó, ngày 13/12, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi thế giới công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Đây cũng được xem là lời kêu gọi đối với 50 quốc gia thành viên OIC được Thổ Nhĩ Kỳ mời tham gia hội nghị nhằm đưa ra phản ứng chung với quyết định của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang khởi động các sáng kiến tại Liên hợp quốc (LHQ) nhằm bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem và nếu như nỗ lực này thất bại, Ankara sẽ tiếp tục đệ trình lên Đại Hội đồng LHQ.
Israel chiếm đóng miền Đông Jerusalem trong chiến tranh năm 1967 và năm 1980 đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Ngày 6/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đảo ngược chính sách được chính quyền Mỹ thực thi trong hàng thập kỷ qua, theo đó quy chế đối với thành phố này phải được quyết định thông qua đàm phán với người Palestine.
Động thái này của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại khắp các vùng lãnh thổ Palestine và các nước Arab cũng như sự chỉ trích gay gắt của nhiều nước trên thế giới, coi đây là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và dập tắt hy vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.
Trong bối cảnh Mỹ nổi cơn thịnh nộ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, và một số nhà quan sát Moskva lo ngại thương vụ này sẽ dẫn tới nguy cơ công nghệ phòng không mới nhất của nước này sẽ rơi vào tay NATO.
Theo TTXVN/Báo Tin tức