(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Ngoại giao Palestine ngày 9/6 thông báo có kế hoạch kiện Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì phát biểu của ông này, cho rằng việc Israel sáp nhập các phần lãnh thổ Bờ Tây của Palestine là "hợp pháp". Trong một thông cáo báo chí, bộ trên mô tả bình luận của ông Friedman phản ánh sự thiên vị của Mỹ đối với hành động chiếm đóng của Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, quân đội Israel ngày 3/6 cho biết đã hoàn tất việc lấp kín những đường hầm cuối cùng trong hàng loạt đường hầm do phong trào vũ trang Hezbollah đào xuyên từ phía bên kia biên giới của Liban vào lãnh thổ Israel.
Trước đó một ngày, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, ông Friedman nói rằng Israel đúng khi sáp nhập các phần lãnh thổ ở Bờ Tây, và đổ lỗi cho Chính quyền Palestine (PA) về sự bế tắc hiện nay trong tiến trình hòa bình với Israel.
Giới chức Palestine cũng đồng loạt lên án bình luận của ông Friedman. Ngày 8/6, người phát ngôn PA Ibrahim Milhem cho biết tuyên bố của ông Friedman "vi phạm pháp luật và phù hợp với các chính sách của Israel". Về phần mình, trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat viết: "Quan điểm của Mỹ ủng hộ việc sáp nhập các lãnh thổ bị chiếm đóng là một tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế".
Kể từ tháng 12/2017, PA tẩy chay Washington sau khi Chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển trụ sở Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến thành phố linh thiêng này hồi tháng 5/2018. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã có nhiều bước đi chống lại người Palestine như đóng cửa văn phòng PLO tại Washington, cắt viện trợ cho cả người Palestine và cơ quan của Liên hợp quốc cung cấp hỗ trợ cho người tị nạn Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã liên tiếp kêu gọi một cơ chế quốc tế đa phương nhằm giám sát tiến trình hòa bình.
Theo kế hoạch, vào ngày 25-26/6 tới, Mỹ sẽ tổ chức diễn đàn hòa bình vì thịnh vượng tại Bahrain, nơi Mỹ dự kiến công bố kế hoạch giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Tại đây, Washington sẽ công bố phần kinh tế của cái gọi là "thỏa thuận thế kỷ" về giải pháp cho Trung Đông. Nga và Trung Quốc không nhận được lời mời chính thức tham dự diễn đàn này.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông được chính quyền Tổng thống Trump xây dựng trong hơn 2 năm qua dưới sự chủ trì của Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt. Kế hoạch gồm hai phần kinh tế và chính trị, nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, song không nhắc tới giải pháp hai nhà nước. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá đây là mưu toan thường lệ nhằm áp đặt quan điểm của mình cho vấn đề Palestine-Israel. Trong nội bộ chính quyền Mỹ, ngay cả những người ủng hộ cũng lo ngại rằng kế hoạch này sẽ vấp phải sự hoài nghi lớn.
Bích Liên/TTXVN