(Thethaovanhoa.vn) - Châu Á sẽ ra sao dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump? Tờ “The Conversation” ngày 10/11 đăng bài viết của Giáo sư quan hệ quốc tế Nick Bisley thuộc Đại học La Trobe ở Australia đề cập đến vấn đề này, trong đó khẳng định ông Trump ít khi đề cập chi tiết về chính sách, và bản thân ông cũng thường xuyên mâu thuẫn với chính mình, nên rất khó xác định nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á.
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra hiện nay là ông Trump sẽ điều hành chính quyền Mỹ như thế nào? Nhiều người dự đoán ông Trump sẽ giống như một "chủ tịch hội đồng quản trị", hành động chủ yếu như một “bù nhìn” theo hướng chung đã đặt ra và giao cho thư ký nội các hoặc các cố vấn đưa ra những quyết định cốt lõi.
Nếu đúng như vậy thì hoặc là ông sẽ bổ nhiệm nhiều người thuộc đảng Cộng hòa vào những vị trí chủ chốt, hoặc ông sẽ đưa nhiều nhân vật cấp tiến vào nội các. Nếu theo hướng thứ nhất, những tuyên bố ngông cuồng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử vừa qua sẽ không trở thành hiện thực. Còn nếu theo hướng thứ hai thì mọi việc khi đó sẽ khác xa so với trước đây.
Trong thời gian quá độ này, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ đánh giá độ tin cậy của nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Trump. Liệu Nhật Bản, Hàn Quốc và hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) có còn được Washington bảo vệ như họ vẫn mong muốn hay không? Họ cần phải chuẩn bị những gì cho tình huống không chắc chắn đó?
Tổng thống đắc cử Donald Trump và phu nhân Melania Trump tới làm việc tại trụ sở Quốc hội ở Đồi Capitol ngày 10/11. Ảnh: AP/TTXVN
Vài năm trở lại đây, khu vực này ngày càng trở nên bất ổn. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, và để đối phó, các nước trên khắp châu Á đã tăng chi phí quốc phòng để giảm thiểu rủi ro. Tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn dưới thời chính quyền Trump. Dự kiến quân sự hóa sẽ lấn lướt các vấn đề chính trị của châu Á trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, giống như các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên cũng chưa thể dự đoán được điều gì. Cuốn sách truyền thống của Mỹ ở châu Á đã bị ném ra ngoài cửa sổ. Nhưng sau đó không có nghĩa ông Trump sẽ hòa giải với Trung Quốc.
Trên mặt trận kinh tế, rõ ràng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nhiều khả năng sẽ “chết yểu”. Điều còn chưa rõ trên mặt trận này là liệu Trump có thực hiện lời đe dọa của mình sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc hay không? Nếu ông làm vậy, thiệt hại cho cả hai nước sẽ là đáng kể.
Quan trọng hơn, điều đó sẽ thúc đẩy không chỉ một cuộc chiến tranh thương mại mà còn có thể dẫn đến việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp trả đũa. Các biện pháp này có thể bao gồm, ở mức cuối cùng, quốc hữu hóa các lợi ích kinh tế của Mỹ ở Trung Quốc. Những lợi ích đó không phải là không đáng kể.
Trong thời khắc nóng bỏng này, có thể người ta dễ phóng đại tầm quan trọng của sự kiện. Tuy nhiên, cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Trump, ở nhiều khía cạnh, có thể đánh dấu sự chấm hết của một kỷ nguyên ở châu Á.
Khu vực này từng được hưởng một môi trường địa chính trị hòa bình và ổn định khi Mỹ và Trung Quốc cùng thống nhất tìm cách chung sống với nhau hồi cuối những năm 1970. Sự nổi lên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chính sách đối ngoại tự tin và quyết đoán hơn của ông đã khơi mào cho sự chấm dứt giai đoạn đó.
Nay với việc tỷ phú Trump đắc cử, giai đoạn đó chắc chắn sẽ khép lại. Người ta chưa thể biết ông Trump sẽ làm gì với châu Á. Nhiều người còn nói thêm rằng bản năng thích phá vỡ của ông Trump sẽ càng khiến khu vực này trở nên căng thẳng và bất ổn hơn. Nền chính trị quốc tế của châu Á đang đi vào "vùng biển" chưa được thám hiểm.
Theo TTK - Tin tức