(Thethaovanhoa.vn) - Số ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Anh tính đến thời điểm này đã lên tới gần 29.500 người, cao nhất châu Âu và đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 30/4 tuyên bố nước Anh hiện đã qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ phong tỏa vốn được thực hiện trên toàn quốc từ tối 23/3 (giờ địa phương) để chống dịch.
Nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca tử vong không ngừng tăng cao tại Anh, Bộ trưởng Nội các nước này Michael Gove cho biết vào tuần tới, Anh sẽ thử nghiệm một chương trình mới truy vết virus SARS-CoV-2 ở Đảo Wight, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Nam. Kế hoạch triển khai chương trình này một cách rộng rãi hơn sẽ được thực hiện trong tháng 5/2020. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực tìm cách tối thiểu hóa nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai của chính phủ Anh.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 30/4 kể từ khi bình phục sau khi mắc COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước Anh hiện đã qua đỉnh dịch COVID-19, đồng thời cam kết trong tuần đầu tháng 5 sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ phong tỏa vốn được thực hiện trên toàn quốc từ tối 23/3 để chống dịch.
Theo Thủ tướng Johnson, chính phủ Anh sẽ đưa ra “một loạt lựa chọn” về việc nới lỏng các lệnh phong tỏa nhưng bất cứ thay đổi nào cũng sẽ dựa trên dữ liệu và cố vấn khoa học. Ông kêu gọi người dân Anh tiếp tục tuân thủ các quy định hiện hành để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chính phủ Anh ngày 27/4 cũng thông báo sẽ cho phép người dân có cơ hội chất vấn các bộ trưởng, giới chức quản lý về khoa học và y tế về những vấn đề xung quanh dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Johnson cam kết cung cấp thông tin cho công chúng với mức độ "minh bạch tối đa nhất có thể" về những ý kiến của các bộ trưởng liên quan tới các biện pháp nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan. Người phát ngôn Thủ tướng Johnson cho rằng virus SARS-CoV-2 là "cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất" mà công chúng Anh phải đối mặt.
Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông bị dư luận Anh chỉ trích vì sự chậm trễ hơn so với hầu hết các nước châu Âu khác trong việc thực hiện phong tỏa chống dịch. Theo cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos Mori tiến hành, có tới 66% số người được hỏi cho rằng chính phủ Anh đã quá chậm chạp trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm phòng ngừa COVID-19 lan rộng. Kết quả thăm dò của hãng Opinium cũng cho thấy người dân Anh giảm lòng tin vào năng lực chống COVID-19 của chính phủ. Chỉ có 49% số người được hỏi tuyên bố vẫn ủng hộ cách thức xử lý của chính phủ Anh nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay trong khi 63% nói rằng chính phủ không hành động đủ nhanh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng Johnson, 55 tuổi, đã phải nhập viện từ ngày 5/4 sau 10 ngày tự cách ly tại nhà vì nhiễm virus SARS-CoV-2. Một ngày sau đó, ông được chuyển đến phòng điều trị và chăm sóc đặc biệt của bệnh viện St Thomas và điều trị tại đây đến ngày 9/4. Ngày 12/4, ông Johnson được xuất viện nhưng chưa thể trở lại làm việc ngay. Đây là điều chưa từng xảy ra đối với một Thủ tướng Anh thời hiện đại trong bối cảnh nước này đang ở trong tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh.
Nguy cơ rơi vào suy thoái trầm trọng
Nền kinh tế Anh đã bị tổn hại nặng nề do đại dịch COVID-19 và có khả năng rơi vào suy thoái trầm trọng nhất trong hơn 300 năm qua là cảnh báo của Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Chính phủ Anh đang đứng giữa áp lực kiểm soát dịch bệnh và khởi động trở lại nền kinh tế.
Kết quả của cuộc khảo sát kinh doanh của công ty IHS Markit cho thấy một viễn cảnh u ám: Kinh tế Anh có thể tới giảm 7% trong quý II/2020, mức giảm chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm, sau khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc phải đóng cửa trong tháng 4/2020.
Doanh số bán ô tô của Anh trong tháng 4/2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1946 do các cửa hàng trưng bày phải đóng cửa, trong khi khoảng 25% lực lượng lao động của nước này đang phải nghỉ việc tạm thời. Mặt khác, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực dịch vụ Anh đã giảm xuống 13,4 (điểm) trong tháng 4/2020, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát trên được thực hiện vào năm 1996. Trước đó, chỉ số này ở mức 34,5 (điểm) trong tháng 3/2020.
Trong khi đó, Viện kinh tế và nghiên cứu xã hội quốc gia của Anh (NIESR) hồi cuối tháng 4 vừa qua dự báo kinh tế nước này suy giảm 7,2% trong năm 2020 nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được thực thi cho đến giữa tháng 5. Phó Giám đốc NIESR Garry Young nhận định kinh tế Anh đang ở giai đoạn khó đoán định và phụ thuộc lớn vào khoảng thời gian nước này thực hiện các biện pháp hạn chế và tính hiệu quả từ các chính sách kinh tế của Chính phủ Anh. NIESR dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm khoảng 5% trong quý I và sẽ giảm 15% trong quý II/2020.
Cùng chung đánh giá “buồn thảm” về tương lai của nền kinh tế Anh, tạp chí Economist cho rằng vay mượn của chính phủ Anh đang tăng vọt và tình trạng này sẽ xóa bỏ những thành quả giảm thâm hụt ngân sách của nước này trong cả một thập kỷ qua. Trong bản ngân sách công bố ngày 11/3, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã thông báo khoản chi thêm 12 tỷ bảng (15 tỷ USD) để ứng phó với COVID-19. Chỉ hơn một tuần sau, khi phần lớn nền kinh tế bị “đóng cửa” sau một chỉ thị của chính phủ, các giải pháp tài chính trực tiếp đã tăng lên hơn 30 tỷ bảng và chính phủ bảo lãnh các khoản vay của lĩnh vực tư nhân lên đến 330 tỷ bảng (khoảng 15% GDP). Theo Economist, mức độ nghiêm trọng và tốc độ của sự suy thoái dường như là chưa có tiền lệ. Ước tính của Viện nghiên cứu tài chính thậm chí còn bi quan hơn khi nhận định: Vay mượn của Chính phủ Anh có thể tăng thêm khoảng 130 tỷ bảng trong năm 2020, lên khoảng 10% GDP. Điều này sẽ đưa tổng nhu cầu tài chính của chính phủ trở lại mức đã từng thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Theo giới quan sát, kỳ vọng hiện nay là sự suy thoái và phục hồi nền kinh tế Anh sẽ diễn ra theo hình chữ V, với sự suy giảm mạnh và theo sau đó là sự phục hồi nhanh chóng không kém khi việc phong tỏa kết thúc. Nhưng dù có sự hỗ trợ từ chính phủ, số người thất nghiệp và số công ty phá sản vẫn đang gia tăng. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)