(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đời Park Geun-hye, người con gái cả của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, đã trải qua những biến cố khó tin. Người phụ nữ có gương mặt ngời sáng ấy từng đảm đương nhiều vai trò danh giá, từ Đệ nhất Ái nữ đến Đệ nhất Phu nhân, rồi trở thành nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trước khi lần thứ hai trong đời cúi đầu rời Nhà Xanh.
Mùa hè năm 1974,
Park Geun Hye 22 tuổi, đang theo học tại trường Đại học tổng hợp Grenoble, Pháp. Mong ước của cô là trở thành một giảng viên. Nhưng vào một ngày "điên rồ" tháng 8 năm đó, mơ ước của Park đã vụn vỡ mãi mãi.
Cô nhận được tin báo từ quê nhà Hàn Quốc: Trở về ngay lập tức!
Park sắp hành lý và lao ra sân bay. Khi vội vã ngang qua một màn hình tivi, dòng tiêu đề lớn đập vào mắt khiến cô lạnh người: “Đệ nhất phu nhân Park bị ám sát”. Phía trên là tấm ảnh một phụ nữ có làn da trắng, đôi mắt nhân hậu và nụ cười hiền. Đó là mẹ cô.
Cô gái trẻ cảm thấy như một nhát dao đang xuyên vào chính tim mình.
Park Geun Hye (đứng sau) chụp ảnh cùng bố mẹ và em gái Geun Ryong, em trai Ji Man. Ảnh: Reuters
Trở về Seoul, Park nhận lại chiếc váy đẫm máu mà mẹ cô đã mặc khi bà bị giết hại vào ngày 15/8/1974.
Quý bà Yuk Young Soo bị một người ủng hộ CHDCND Triều Tiên bắn vào đầu tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc khi bà đang cùng chồng tham dự lễ kỷ niệm 29 năm kết thúc thời kỳ chiếm đóng của quân đội phát xít Nhật.
Viên đạn lẽ ra nhằm vào chồng bà, Tổng thống Park Chung Hee, cựu tướng đã lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong thời kỳ phát triển vũ bão với chính sách “bàn tay sắt” sau khi giành được quyền lực vào năm 1961. Bà Yuk năm đó mới 48 tuổi.
Park Geun-hye cố gắng giặt sạch máu khỏi chiếc váy của mẹ. Rồi thổn thức khóc và ngã sụp xuống sàn.
Park Geun-hye chụp hình chung với cha - Tổng thống Park Chung Hee khi cô trở thành quyền Đệ nhất phu nhân ở tuổi 22. Ảnh: EPA
Nhưng cô không có nhiều thời gian để đau buồn. Park tự đặt mình vào vai trò của mẹ với một quyết tâm không gì lay chuyển - cô muốn hỗ trợ tốt nhất có thể cho cha mình.
Suốt 5 năm sau đó, Park Geun-hye bận rộn với các chuyến đi thị sát, thăm viếng, các sự kiện nhà nước. Cô mỉm cười và nồng ấm bắt tay các quan chức và cả người dân thường, như hình ảnh mẹ cô trước đây.
Nhưng rốt cuộc Park cũng không thể làm gì để cứu tính mạng cha mình. Ngày 26/10/1979, Tổng thống Park Chung Hee bị bắn chết trong bữa ăn tối, bởi chính giám đốc tình báo của ông.
Một lần nữa, Park Geun-hye lại nhận quần áo đẫm máu của cha mẹ, và một lần nữa cô giặt sạch chúng. Nhưng lần này, Park không trở lại Nhà Xanh. Sau khi cha cô được chôn cất bên cạnh mẹ trong một tang lễ cấp Nhà nước vào ngày 3/11/1979, Park Geun-hye từ biệt các nhân viên ở phủ Tổng thống, lên một chiếc xe hơi màu đen và tự lái sang một ngã rẽ mới của cuộc đời mình.
Park Geun-hye xúc đất lấp quan tài cha. Ảnh: Reuters
Trước đó, không lâu sau cái chết của người mẹ, Park Geun-hye lần đầu tiên gặp Choi Soon Sil (cái tên đang làm bà điêu đứng trong bê bối chính trị dẫn tới việc bị phế truất). Choi ít hơn cô 4 tuổi, còn chưa tốt nghiệp đại học. Cha của cô ta là Choi Tae Min, người được quyền Đệ nhất Phu nhân Park Geun-hye vô cùng tin tưởng.
Ông Choi tự nhận là một mục sư và là người sáng lập ra tổ chức giống như một giáo phái có tên gọi "Nhà thờ của Cuộc sống vĩnh cửu". Ông ta đã tiếp cận được Park trong thời điểm tang tóc năm 1974. Choi tuyên bố ông nhận được những thông điệp từ oan hồn Đệ nhất Phu nhân vừa bị ám sát và rằng, Park Guen-hye cũng có thể liên hệ được với người mẹ yêu dấu của mình.
“Mẹ cô đã tự tìm được một vị trí để nuôi dạy cô trở thành nhà lãnh đạo thực sự của đất nước và của thế giới”, ông Choi viết trong lá thư gửi Park Geun-hye, trích dẫn cái mà ông ta gọi là “thông điệp tinh thần” từ Đệ nhất Phu nhân quá cố. “Bất cứ khi nào cô mong ước được nghe thấy giọng nói của mẹ mình, cô có thể làm được điều đó thông qua tôi”, Choi khẳng định.
Trong lúc đang nuôi dưỡng một ý chí sắt đá sau cái chết của mẹ, người con gái đau buồn đã mời Choi Tae Min tới Nhà Xanh và bắt đầu một mối quan hệ đặc biệt mà cô chưa từng nghĩ đến.
Khi Park ngày càng thân hơn với “cố vấn tinh thần” của mình, cô cũng dần thân thiết với người con gái thứ năm, được cưng nhất của ông ta là Choi Soon Sil.
Choi đã không ngừng dùng ảnh hưởng của mình đối với Park Geun-hye để nâng cao vị thế xã hội cũng như vơ vét của cải.
Bà Park chụp ảnh chung với ông Choi Tae Min trong một bức ảnh không rõ thời điểm.
Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA – tên gọi vào thập niên 1970), ông Choi là một “mục sư giả mạo”, sử dụng quan hệ với Đệ nhất Phu nhân Park để ăn hối lộ.
Với những người phản đối Tổng thống Park Chung Hee bởi chính sách cứng rắn đến tàn nhẫn của ông, thì việc Choi giành được sự ưu ái của con gái Tổng thống như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Ông Kim Jae Gyu, giám đốc KCIA, người đã ám sát Tổng thống vào năm 1979, khai trước tòa rằng động cơ của ông ta một phần là “vì ông Park đã không ngăn cản Choi Tae Min tham nhũng cũng như giữ ông ta tránh xa khỏi con gái mình”.
(Còn tiếp)
Theo Báo Tin tức