(Thethaovanhoa.vn) - Người dân Anh không nên đặt trước các chuyến du lịch nước ngoài cho kỳ nghỉ Hè sắp tới.
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại "điểm nóng" châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới.
Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Anh Nadhim Zahawi đã cảnh báo như vậy ngày 26/1, ngay trước khi nước này dự kiến thông báo siết chặt các biện pháp đóng cửa biên giới. Biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Anh đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới.
Trước đó, Thủ tướng Borris Johnson cho biết ông đang xem xét việc sử dụng các khách sạn làm nơi cách ly những người đến Anh nhằm ngăn chặn nguy cơ các biến thể mới xâm nhập vào nước này có thể vô hiệu hóa vaccine.
Phát biểu với kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Zahawi cho biết thông báo mới nhất sẽ được đưa ra trong ngày 26/1, theo đó yêu cầu tất cả mọi người từ đa số các nước ở Nam Phi, Nam Mỹ và Bồ Đào Nha khi đến Anh phải cách ly 10 ngày trong khách sạn. Chưa có thông báo cụ thể quy định đối với những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Cho đến nay, Anh là quốc gia có số ca tử vong do mắc COVID-19 nhiều thứ 5 thế giới, với 98.531 ca trong tổng số 3.669.658 ca nhiễm virus.
Cũng trong ngày 26/1, Thụy Điển tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đi du lịch tới tất cả các nước ngoài châu Âu cho tới ít nhất ngày 15/4. Thông báo của Bộ Ngoại giao Thụy Điển khẳng định: "Rất nhiều nguy cơ và hiện không thể dự báo khi nào việc đi du lịch mới thoải mái và an toàn trên toàn thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát".
Từ ngày 14/3, giới chức Thụy Điển đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến tất cả các nước do dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, khuyến cáo này hiện chỉ còn áp dụng với một số nước tại châu Âu.
Ở châu Á, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo sẽ điều chỉnh chiến thuật truy vết người tiếp xúc với những người nhiễm COVID-19, từ đó ưu tiên tiếp cận những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Theo đó, chính quyền Tokyo đã yêu cầu các cơ quan y tế công cộng tập trung vào việc điều tra dịch tễ học nhằm tìm ra những địa điểm và nhóm những người có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Những thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 đang gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế công cộng của Nhật Bản. Giới chức y tế và các bác sĩ đã vận động trong nhiều tháng để các cơ quan chức năng tăng cường xét nghiệm nhằm đảm bảo phát hiện sớm và ngăn chặn sự lây lan của virus. Chính quyền Thủ đô Tokyo bày tỏ hy vọng chính sách mới sẽ giúp các nhân viên y tế đối phó với số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng.
Trước đó, các cơ quan chức năng Nhật Bản cho biết nước này bắt đầu thực hiện các xét nghiệm PCR ngẫu nhiên trên quy mô lớn, sớm nhất vào tháng 3/2021 trong nỗ lực nhằm xác định mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại các khu vực thành thị.
Chính quyền trung ương đặt mục tiêu mỗi ngày thực hiện vài nghìn xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase ở thủ đô Tokyo và thành phố Osaka, cũng như các khu vực đô thị khác đang có số lượng ca nhiễm cao.
TTXVN