(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu trong buổi lễ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo về một "đại dịch đói" có thể tồi tệ hơn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo truyền thống, các giải thưởng Nobel sẽ được trao vào ngày 10/12 hằng năm để kỷ niệm ngày mất của người sáng lập giải thưởng này - nhà khoa học và nhà từ thiện người Thụy Điển Alfred Nobel (năm 1896).
Phát biểu từ trụ sở của WFP tại Rome (Italy), Giám đốc điều hành WFP David Beasley cảnh báo nạn đói đang được sử dụng như một vũ khí chiến tranh và xung đột. Ông cho rằng việc không đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân sẽ gây ra nạn đói, thậm chí còn tồi tệ hơn cả tác động của đại dịch COVID-19. Người đứng đầu WFP nhấn mạnh khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới - tương đương với dân số của cả Đức, Anh, Pháp và Italy - đang đứng trên bờ vực của nạn đói.
WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, năm vai trò quan trọng trong giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Năm 2015, mục tiêu xóa đói đã được thông qua như một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ. Trong những năm gần đây, tình hình diễn biến xấu đi, theo đó chỉ riêng năm 2019 có 135 triệu người bị đói ở mức khẩn thiết, cao nhất trong nhiều năm, chủ yếu do chiến tranh và xung đột vũ trang. Cũng trong năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực tại 88 quốc gia.
Trong bối cảnh năm 2020 thế giới bị chi phối bởi xung đột, sự bất ổn và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người, việc giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho WFP mang rất nhiều ý nghĩa. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, xung đột bạo lực kết hợp với đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đứng bên bờ vực của nạn đói. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, như tổ chức này từng chia sẻ: "Cho tới ngày chúng ta có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".
Do tác động của đại dịch COVID-19, lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay thay vì được tổ chức tại thành phố Oslo (Na Uy), các quan chức WFP đã ở Rome, nhận giải thưởng qua một buổi lễ trực tuyến. Các giải Nobel còn lại gồm y học, vật lý, hóa học, văn học và kinh tế - theo truyền thống được trao tại Stockholm (Thụy Điển), năm nay cũng diễn ra theo hình thức trực tuyến. Theo các nhà tổ chức, những người đoạt giải Nobel 2020 dự kiến sẽ được mời tới dự sự kiện trao giải trực tiếp vào năm 2021 trong trường hợp đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Phương Hoa/TTXVN