(Thethaovanhoa.vn) - Lời đã nói ra và tên lửa đã được bắn đi - vụ tấn công của Mỹ cùng hai đồng minh là Anh và Pháp nhằm vào lãnh thổ Syria sáng 14/4 là hành động thách thức mọi chuẩn mực quốc tế, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và xâm phạm các quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Trong những phản ứng đầu tiên, nhiều ý kiến cho rằng hành động trút bom đạn xuống một đất nước vừa trải qua giai đoạn dài xung đột, vừa mới le lói hy vọng hưởng hòa bình sau khi lực lượng khủng bố bị quét sạch và bước vào giai đoạn đàm phán chính trị để ổn định như Syria, là vô đạo đức và không thể biện minh.
Xét diễn biến thực địa, có thể nói nếu Mỹ, Anh và Pháp muốn phô diễn sức mạnh quân sự và thực sự muốn phá hủy các cơ sở hạ tầng của Syria, thì vụ tấn công nói trên thực chất đã trở thành cơ hội để quân đội Syria chứng minh năng lực phòng thủ của mình.
Vụ tấn công không gây thương vong đáng kể (3 người bị thương), hiệu quả không kích nhằm vào các mục tiêu mà Mỹ tuyên bố là cơ sở chế tạo vũ khí hóa học, các cơ sở quân sự (sân bay, kho vũ khí, các đơn vị quân đội) là không cao khi lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn được tới 71 trong tổng số 103 tên lửa được phóng đi.
Đáng lưu ý là lực lượng Nga tại Syria vẫn “án binh bất động” và điều này cho thấy sức mạnh của lực lượng quân đội Syria. Trong khi đó, đa phần các mục tiêu trên đều trong tình trạng “vườn không nhà trống” khi với sự trợ giúp của thông tin tình báo Nga, Syria đã sơ tán cơ sở trong “tầm ngắm” của hỏa lực đối phương. Đây có thể nói là một thành công của Damacus với sự hỗ trợ của đồng minh then chốt Moskva.
Việc Mỹ cùng Anh và Pháp tấn công Syria đã được dự báo, vấn đề quan tâm chỉ là mức độ, quy mô của hành động quân sự này. Với thực tế diễn ra, các chuyên gia nhận định chiến dịch quân sự của 3 nước phương Tây thực chất là “phải đánh vì đã nói”, nói cách khác, hành động tấn công sáng 14/4 nhằm vào Syria là vô nghĩa.
Đánh giá này xuất phát từ việc Mỹ đã thông báo chấm dứt tấn công sau hơn 1 giờ đồng hồ không kích trong cái mà Tổng thống Trump gọi là “một cuộc tấn công chính xác”. Tuyên bố ngay sau đó của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian về tái khởi động một tiến trình chính trị "ngay lập tức" nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Syria càng củng cố lập luận này.
Rõ ràng, Mỹ và Anh cùng Pháp không muốn một hành động quân sự quá lớn có thể tạo ra một khúc rẽ nguy hiểm cho tình hình tại Syria, qua đó cũng là tạo thêm cớ để những “người chơi chính” vốn đã hiện diện tại đây là Nga và Iran nhập cuộc. Lợi ích đan xen, thế giằng co tại khu vực địa chiến lược khiến tất cả các bên đều phải hết sức thận trọng trong mỗi hành động của mình để đảm bảo các lợi ích quốc gia và giữ cho mình trong ngưỡng an toàn phù hợp.
Trên tất cả, từ góc độ đạo lý, vụ tấn công của Mỹ và Anh cùng Pháp nhằm vào Syria với lý do đáp trả cuộc tấn công phương Tây nghi sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Damacus chống dân thường là hành động thách thức quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng quốc tế.
Cái cớ mà Mỹ bao biện cho hành động của mình chỉ là sự ngụy biện bởi cho tới nay, vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, vốn là thành trì của phe đối lập ở Đông Ghouta 1 tuần trước vẫn chưa được xác minh. Thậm chí các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được cử tới làm rõ vụ việc còn chưa đặt chân tới Gouma.
Phía Nga cũng mới đưa ra các bằng chứng về khả năng đã có những thế lực “ngụy tạo” vụ tấn công này hòng đổ tội cho chính quyền Syria. Khả năng này không phải là không có cơ sở, bởi vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này được các nhóm đối địch với chính quyền Damascus đưa ra trong bối cảnh quân đội Syria hầu như đã kiểm soát hoàn toàn khu vực Đông Ghouta và Gouma, chỉ còn truy quét một nhóm nhỏ các tay súng đối lập cuối cùng cố thủ tại đây.
Còn xét trên góc độ pháp lý, Hiến chương LHQ quy định quân đội nước ngoài chỉ được phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với 3 lý do cụ thể, đó là tự vệ hợp pháp, theo yêu cầu của quốc gia mà sẽ xảy ra, hoặc trong trường hợp được cho chấp thuận của Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ).
Trong trường hợp cụ thể ở Syria, không thể đưa ra lý do chính đáng nào để biện minh cho hành động can thiệp quân sự của Mỹ, Anh. Rõ ràng, Mỹ, Anh và Pháp, ba nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ, có quyền quyết định tối thượng trong các vấn đề của thế giới, đang phớt lờ luật pháp quốc tế.
Cũng phải nói thêm rằng đây không phải lần đầu tiên Mỹ và đồng minh “bỏ qua” HĐBA LHQ khi mở chiến dịch tấn công một quốc gia có chủ quyền. Chiến dịch của Mỹ và NATO không kích Nam Tư tháng 3/1999, hay cuộc tấn công Iraq năm 2003 do Mỹ và Anh phát động, là những ví dụ điển hình.
Theo ông Patrick Baudouin, luật sư Liên đoàn Quốc tế về quyền con người có trụ sở tại Paris (Pháp), việc Mỹ, Anh và Pháp cho phép mình can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền là hành động sai trái và nằm ngoài các đạo luật quốc tế.
Trong khi đó, chuyên gia Saulnier của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho rằng phương Tây đã kích động một cuộc chiến phi nghĩa chống chính quyền hợp pháp của Tổng thống al-Assad và giờ đây, khi tình hình đang diễn biến thuận lợi cho người dân nước này thì Mỹ - Anh - Pháp đã “thêm dầu vào lửa”.
Với môi trường địa chính trị phức tạp và nhạy cảm của Syria, sự can thiệp quân sự của phương Tây chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền mới trong Trung Đông. Đã đến lúc cần nhắc nhở Mỹ và đồng minh về những bài học trong quá khứ với việc phát động cuộc tấn công Iraq năm 2003, chính quyền khi đó của Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã che giấu các kho dự trữ lớn vũ khí hủy diệt hàng loạt bên trong Iraq.
Tuy nhiên, bằng chứng kết luận chứng minh điều ngược lại: chính quyền nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, điều mà ngay cả hai ông Tony Blair và George W. Bush sau này đều phải thừa nhận. Mỹ đã phải “nướng” cho cuộc chiến này sinh mạng của khoảng 4.500 quân nhân, một con số rất lớn, song không thấm tháp gì so với mất mát của người dân Iraq - hơn 100.000 người.
Điều đáng nói hơn là cuộc tấn công vô lý nhằm vào một quốc gia có chủ quyền đã đẩy đất nước Iraq vào tình trạng bất ổn, chia năm xẻ bảy, xung đột triền miên cho tới tận bây giờ. Những gì đang diễn ra tại Syria cũng có thể là sự lặp lại của kịch bản này nếu thế giới không hành động kịp thời để ngăn chặn những mưu đồ đen tối của một nhóm lợi ích thiểu số tại Trung Đông.
Sau khi Mỹ, Anh và Pháp cùng hợp lực tấn công một số vị trí tại Syria, đến sáng 14/4 người dân thủ đô Damascus đã đổ ra đường, phất quốc kỳ đầy hân hoan sau khi phòng không Syria chặn được 71 trên tổng số 103 tên lửa phóng vào quốc gia này.
Hồ Phương (TTXVN)