Nhận diện 'cuộc chiến trong lòng nước Mỹ' dưới thời Tổng thống Trump

Thứ Sáu, 17/2/2017, 14:27 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều cựu quan chức trong ngành tình báo Mỹ nhìn nhận, cố vấn Michael Flynn là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông có sự giúp sức của thế lực chống Trump.

Tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ trong tuần này là việc ngày 14/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn từ chức chỉ sau 3 tuần nắm quyền ngắn ngủi, do liên quan đến vụ điện đàm với với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak hồi cuối tháng 12/2016. Thông tin về cuộc điện đàm xuất hiện từ lâu, ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức.

* "Giọt nước tràn ly"

Nhưng “giọt nước tràn ly” là khi nhiều tờ báo, tổ hợp truyền thông Mỹ như CNN, Washington Post, New York Times đăng nhiều bài viết với các nguồn tin ẩn danh là các quan chức đương nhiệm hoặc còn tại vị ở thời điểm chuyển giao quyền lực.

Họ khẳng định ông Flynn “sai phạm” khi đề cập đến khả năng chính quyền mới tại Mỹ sẽ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Nga tại thời điểm ông không được phép tham gia hoặc tác động đến công việc hoạch định chính sách của chính quyền.


Ông Donald Trump và cố vấn vừa từ chức Michael Flynn

Ông Flynn đã nói gì với Đại sứ Nga là điều chưa được công bố và đây có thể chỉ là yếu tố bề nổi. Việc nói chuyện không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence chưa hẳn là lý do khiến Flynn mất chức. Điểm nhấn chính là cách thức “tạo dựng” sức ép để buộc cựu Cố vấn An ninh Mỹ phải thoái lui.

Nội dung các cuộc trao đổi đã được “tuồn” ra cho báo chí và bê bối liên quan đến ông Flynn chỉ là diễn biến mới nhất và nổi nhất trong một loạt các vụ rò rỉ thông tin gần đây nhằm vào chính quyền Donald Trump, từ các cuộc điện đàm của ông Donald Trump với Thủ tướng Australia và Tổng thống Mexico, cho tới ý định của Bộ Quốc phòng Mỹ định triển khai tàu chiến ngăn chặn Iran cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen, hay dự thảo sắc lệnh cấm người đồng giới làm việc trong các cơ quan liên bang…

Theo luật định, Cơ quan an ninh Quốc gia (NSA) được quyền giám sát các cuộc điện thoại, tin nhắn qua lại giữa  công dân Mỹ với người nước ngoài; nhưng phải xem đây là nội dung mật, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Nếu xuất hiện yếu tố “hoạt động tình báo” cho bên ngoài, việc phổ biến thông tin sẽ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, chỉ ở diện hẹp. Việc các tờ báo như New York Times, Washington Posts có trong tay “bằng chứng” chống lại ông Flynn cho thấy đã có hành động lộ lọt có chủ đích. Chưa thể kết luận “9 nguồn tin ẩn danh” mà Washington Posts nêu là quan chức hay cựu quan chức, giới chức trong cộng đồng tình báo hay là người ở Nhà Trắng, nhân vật còn sót lại từ thời Barrack Obama hay mới được bổ nhiệm, nhưng gần như chắc chắn họ là những người thuộc phe nhóm, lực lượng không ủng hộ ông Trump và chính quyền mới.

Trang điện tử Bloomberg xem đây là vụ “ám sát chính trị”, một dạng “đảo chính mềm” nhằm vào chính quyền Donald Trump. Nhiều cựu quan chức trong ngành tình báo Mỹ nhìn nhận, Flynn là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông có sự giúp sức của thế lực chống Trump. Điều nguy hiểm là số này đang mạo hiểm sử dụng cách thức “chính trị hóa” tình báo, công khai các thông tin mật để chống lại các đối thủ chính trị.

Xu thế này báo hiệu sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ tại Nhà Trắng mà ở đó Flynn là người đầu tiên, chứ không phải là duy nhất. Kế đến có thể là những người thân cận của Tổng thống như bà cố vấn Kellyanne Conway, Chiến lược gia trưởng Steve Bannon hay Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reine Priebus… và cuối cùng là cô lập ông Trump.

Ở một góc độ khác, có thể xem vụ bê bối liên quan đến tướng Flynn là sự tiếp nối của những cáo buộc cho rằng Nga đã can dự vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho Donald Trump. Sự ra đi của ông Flynn đồng nghĩa với việc bất kì một nỗ lực nào của Nhà Trắng muốn khôi phục, hàn gắn lại quan hệ với Nga sẽ gặp trở ngại lớn và quan hệ Nga - Mỹ có thể bị đóng băng trong thời gian dài, thậm chí là “chết” khi chưa kịp khởi động.

Vụ việc đã khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị, đảng phái vốn đã trầm trọng trong suốt thời gian qua. Phe Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa yêu cầu mở cuộc điều tra sâu hơn về mối liên hệ giữa chính quyền và cá nhân ông Trump với Nga trước và sau bầu cử. Ngược lại, phe Cộng hòa muốn đẩy vấn đề theo xu hướng truy tìm, trừng phạt những nguồn tin ẩn danh vì hành vi tiết lộ tin mật bất hợp pháp.

Thêm một diễn biến bất lợi khác cho ông Trump: Tờ "Financial Times" dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, Phó Đô đốc về hưu Robert Harward, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử chức Cố vấn An ninh quốc gia, đã từ chối lời đề nghị này. Ông Harward được Tổng thống Trump lựa chọn vào vị trí trên sau khi cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn xin từ chức hôm 13/2.

Trong khi đó, Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này.

* Phản ứng của ông Trump

Về phần mình, tân Tổng thống Mỹ cũng đã phát đi những thông điệp mang tính phòng vệ. Ông không ngần ngại chỉ trích cộng đồng tình báo đã rò rỉ thông tin trái phép tới các tờ báo “tồi”, thuộc diện “truyền thông tin giả” như New York Times hay Washington Posts.

Ông chủ Nhà Trắng đang xem xét bổ nhiệm tỉ phú Stephen A. Feinberg làm người đứng đầu bộ phận giám sát của cộng đồng tình báo Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/2, ông Trump một lần nữa cáo buộc nhiều tờ báo, tổ hợp truyền thông chính thống là “giả tạo”, cố tìm cách tấn công chính quyền, cốt tìm cách đưa tin vì lợi ích đặc quyền và vì những thế lực có lợi ích từ hệ thống trước đây.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/2 khẳng định: Bộ máy nội các của chính quyền mới ở Mỹ đang vận hành tốt.

Tổng thống Trump đã cáo buộc truyền thông đưa tin không trung thực khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm. Ông nêu rõ, bộ máy chính quyền mới thành lập hoạt động trơn tru và đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc, điều chưa từng có tổng thống nào của Mỹ làm được chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Theo kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố gần đây, chỉ có 39% số người Mỹ bày tỏ tin tưởng ông Trump đang điều hành tốt công việc, thấp hơn so với các chính quyền tiền nhiệm tại thời điểm kết thúc một tháng điều hành Nhà Trắng.

Đề cập sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ bảy nước Hồi giáo chiếm đa số, ông Trump tuyên bố sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp mới về nhập cư vào tuần tới, đồng thời cho rằng đây sẽ là một sắc lệnh hành pháp toàn diện để bảo vệ người dân Mỹ. Tổng thống Trump cũng cho biết, ông sẽ đưa ra một số cải cách về y tế vào đầu hoặc giữa tháng 3/2017.

Chưa biết xu thế đối đầu giữa tổng thống Mỹ với các thiết chế xã hội, các nhóm lợi ích và tiếng nói đối lập sẽ đi theo hướng nào, nhưng chắc chắn đó là cuộc chiến đầy cam go. Chỉ riêng việc xử lý quan hệ với truyền thông và các cơ quan tình báo đã là thử thách đối với ông Trump.

TTXVN/Hoài Thanh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến