(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy kế hoạch lớn yêu cầu hàng triệu nhân viên khu vực tư nhân phải tiêm phòng COVID-19 vào đầu năm tới. Nhưng trước tiên, ông phải đảm bảo rằng các nhân viên trong chính phủ liên bang của chính ông đã được tiêm vaccine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/11 thông báo ông sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ngoại giao các nước nhằm thảo luận về đại dịch Covid-19.
Khoảng 4 triệu nhân viên liên bang, từ đặc vụ FBI, đến lính gác nhà tù hay nhân viên FDA, sẽ phải tiêm chủng COVID-19 trước ngày 22/11 theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hiện tại đa số nhân viên liên bang, như những người làm việc ở Nhà Trắng, đều đã tiêm phòng. Nhưng tỷ lệ tiêm lại thấp hơn ở các cơ quan liên bang khác, đặc biệt là các cơ quan liên quan đến thực thi pháp luật và tình báo.
Thậm chí một số nhân viên phản đối vaccine còn đang làm căng, đệ đơn kiện phản đối điều mà họ cho là hành động quá mức và không công bằng của Nhà Trắng.
Siết việc làm với người không tiêm chủng
Hạn chót sắp tới sẽ là bài kiểm tra đầu tiên trong nỗ lực buộc mọi người phải tiêm chủng COVID-19 của Tổng thống Biden. Ngoài quy định về nhân viên chính quyền liên bang, một yêu cầu khác có hiệu lực vào tháng 1/2022 nhắm tới khoảng 84 triệu lao động khu vực tư nhân – theo hướng dẫn thực hiện được công bố tuần trước.
Hôm 6/11, toà án phúc thẩm liên bang ở bang Louisiana đã tạm thời ngừng yêu cầu buộc tiêm vaccine đối với các doanh nghiệp có 100 công nhân trở lên. Tuy nhiên, chính phủ cho biết họ tự tin rằng yêu cầu này sẽ trụ được trước các thách thức pháp lý một phần vì các quy tắc an toàn của nó vượt trội hơn luật tiểu bang.
“Tổng thống và chính quyền sẽ không đưa ra những yêu cầu này nếu họ không nghĩ rằng chúng phù hợp và cần thiết. Và chính quyền chắc chắn đã chuẩn bị để bảo vệ chúng”, Tổng Y sĩ Vivek Murthy cho biết hôm 7/11.
Nếu những yêu cầu bắt buộc với tiêm vaccine được thực hiện thành công, chúng có thể giúp giảm mạnh các ca lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt là sau tin tức về việc trẻ em từ 5-11 tuổi có thể tiêm vaccine, khiến thêm 64 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm. Nhưng khi chỉ còn hai tuần là đến hạn chót với nhân viên liên bang, một số lãnh đạo các công đoàn nói rằng việc thuyết phục những người chưa được tiêm chủng thay đổi ý định ngày càng trở nên khó khăn.
Corey Trammel, một viên chức thuộc Cục Trại giam và là chủ tịch công đoàn địa phương ở Louisiana, cho biết: “Nhiều người của tôi từ chức vì họ mệt mỏi với việc chính phủ xử lý quá mức về việc này, họ không muốn tiêm. Mọi người không tin tưởng vào chính phủ và họ không tin vào vaccine này”.
Trong khi đó, các loại vaccine COVID-19 tại Mỹ đều có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh về độ an toàn, đã qua các thử nghiệm lâm sàng và đánh giá độc lập cho thấy chúng có hiệu quả vượt trội trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19. Tới nay hơn 222 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vacine và hơn 193 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Hơn một nửa dân số thế giới cũng đã được tiêm ít nhất một mũi.
Tỉ lệ tiêm thấp ở các cơ quan tình báo, thực thi pháp luật
Các nhà khoa học đã phải đấu tranh với sự lo lắng về vaccine COVID-19 kể từ lần đầu tiên nó được cấp phép tại Mỹ. Một cuộc thăm dò của AP-NORC vào đầu năm nay cho thấy 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ nghi ngờ bất chấp những đảm bảo rằng vaccine an toàn và hiệu quả, và số bị tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ rất hiếm gặp. Đến nay khoảng 70% người Mỹ trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ và 80% đã nhận được ít nhất một liều vaccine.
Tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được triển khai với tỷ lệ không đồng đều ngay trong chính phủ liên bang. Các quan chức tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Cơ quan Phát triển Nhà ở và Đô thị cho biết họ đang tiến hành tiêm chủng cho nhân viên nhưng chưa có số liệu.
Một số cơ quan tình báo có ít nhất 20% lực lượng lao động của họ chưa được tiêm chủng tính đến cuối tháng 10 – theo Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Chris Stewart, đảng viên Đảng Cộng hòa Utah, là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Chủ tịch Hiệp hội Viên chức Thực thi Luật pháp Liên bang Larry Cosme cho biết có khoảng 31.000 thành viên thuộc 65 cơ quan thực thi pháp luật liên bang trong hiệp hội và ông ước tính mới có 60% trong số họ đã được tiêm chủng, thấp hơn mức chung toàn quốc.
Bộ An ninh Nội địa, một bộ khổng lồ của chính phủ với hơn 240.000 nhân viên, đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 64% nhân viên vào cuối tháng 10. Trong khi đó, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mũ đã nhận được ít nhất 6.000 yêu cầu miễn trừ tiêm chủng với lý do y tế hoặc tôn giáo.
Các cơ quan liên bang đang cảnh báo nhân viên về yêu cầu sắp hết hạn, cho phép họ thêm thời gian nghỉ để tiêm vaccine và khuyến khích người lao động tuân thủ. Các nhân viên liên bang sẽ bị sa thải nếu không tuân thủ đúng thời hạn vào ngày 22/11. Những người chần chừ không tiêm sẽ được “tư vấn” và có 5 ngày để bắt đầu quá trình tiêm chủng. Sau đó, họ có thể bị đình chỉ làm việc trong 14 ngày và cuối cùng có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng quá trình đó sẽ mất hàng tháng.
Những thách thức pháp lý
Đảng Cộng hòa cho rằng yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine đã đi quá xa. Hồi cuối tháng 10, những thành viên Cộng hoà tại Ủy ban Giám sát Hạ viện đã gửi một lá thư tuyên bố “những ủy quyền độc đoán và cực đoan của tổng thống xâm phạm các quyền tự do của Mỹ, là điều chưa từng có và có thể bị coi là bất hợp pháp”.
Trong lá thư, Hạ nghị sĩ James Comer và Jody Hice cho biết họ lo lắng về số lượng lớn các vị trí tuyển dụng của chính phủ sẽ bị bỏ trống khi hàng nghìn nhân viên từ chối tiêm và bị sa thải. Mối quan tâm đó cũng được cảm nhận bởi những người trong Cục Trại giam vốn đã thiếu nhân viên.
Tuần trước, một công đoàn viên chức trại giam liên bang ở Florida đã đệ đơn kiện về yêu cầu của chính phủ, nói rằng đó là hành vi vi phạm quyền công dân. Một số nhân viên quản lý trại giam nói rằng họ cảm thấy giằng xé về việc tiêm vaccine khi không muốn mất kế sinh nhai nhưng cũng không muốn hy sinh niềm tin cá nhân của mình. Các sĩ quan gần tuổi nghỉ hưu thì có ý định nghỉ làm luôn, thay vì tiêm chủng để tiếp tục công việc.
Theo Chủ tịch công đoàn Brandon Judd, các nhân viên của Cơ quan Tuần tra Biên giới Mỹ đã được chỉ đạo xác nhận tình trạng tiêm chủng của họ vào đầu tuần trước. Tính đến ngày 5/11, 49% nhân viên Tuần tra Biên giới trả lời rằng họ đã được tiêm phòng đầy đủ và khoảng 7% cho biết chưa tiêm vaccine. Hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sẽ tiếp tục từ chối nếu họ không được miễn trừ và đối mặt nguy cơ mất việc.
“Khi nói đến việc mất kế sinh nhai hoặc phải tiêm phòng, tôi nghĩ phần lớn cuối cùng sẽ đi tiêm phòng. Chúng ta sắp mất người. Nhưng bao nhiêu, tôi thực sự không thể đoán trước”, ông Judd nói.
Theo Báo Tin tức/AP