(Thethaovanhoa.vn) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa ra lệnh cho các nhà khoa học nước này phát triển một tên lửa đạn đạo lớn chưa từng có để sẵn sàng phóng vào tháng 9/2018, dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên.
Theo Telegraph, một nguồn tin từ một người Triều Tiên đào tẩu cho hay ông Kim Jong-un đã ra chỉ thị trên trong cuộc họp với các quan chức cấp cao và các nhà khoa học tại Bình Nhưỡng hồi trung tuần tháng 12.
Tên người Triều Tiên này không được tiết lộ, nhưng tờ Mainichi của Nhật Bản cho biết đây là người có liên quan tới chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo nhân vật này, tên lửa mới có thể được đặt tên “Unha-4”, lớn hơn “Unha-3”, tên lửa 3 giai đoạn mà Bình Nhưỡng sử dụng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Một tên lửa Unha-3 đã được phóng thành công từ Trạm phóng vệ tinh Sohae ở miền tây bắc Triều Tiên hồi tháng 2/2016. Unha-3 được phát triển dựa trên công nghệ tên lửa đạn đạo Scud của Liên Xô. Tên lửa mới Unha-4 được cho là sẽ có kích thước lớn hơn Unha-3, vốn có chiều dài hơn 30m và đường kính 2,4m.
Theo lời nhân vật giấu tên nói trên, phần thân của tên lửa Unha-4 đã được hoàn tất nhưng các nhà khoa học yêu cầu thêm 6 tháng để hoàn thiện tên lửa.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng tên lửa Unha-4 để đưa vệ tinh lên quỹ đạo để chỉ đạo và giám sát các vụ phóng tên lửa trong tương lai, hoặc cũng có thể để kiểm tra khả năng tên lửa quay trở về khí quyển trái đất.
Mặc dù Triều Tiên được cho là đã có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa, các nhà phân tích tin rằng các nhà khoa học của Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo được rằng đầu đạn hạt nhân chịu được áp suất khi hồi quyển.
Tiết lộ về chương trình tên lửa của Triều Tiên được đưa ra cùng thời điểm với một nghiên cứu của Viện Sejong Hàn Quốc, trong đó cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa ICBM đầy đủ, thậm chí mang đầu đạn hạt nhân thật, để chứng tỏ sự làm chủ về công nghệ đưa đầu đạn hạt nhân trở lại bầu khí quyển.
Ông Cheong Seong-Chang, chuyên gia phân tích người Hàn Quốc thuộc Viện Sejong, nói: "Vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Triều Tiên có thể không diễn ra dưới lòng đất mà là ở khu vực Thái Bình Dương".
Mặc dù mới gửi lời cảnh báo “nút hạt nhân luôn có sẵn trên bàn” gửi tới Mỹ song đối với Hàn Quốc, Triều Tiên dường như hạ giọng, chìa cành ô liu hiếm hoi cho quốc gia láng giềng khi đề nghị hai bên đối thoại về việc gửi phái đoàn tới Thế vận hội Olympics Mùa đông vào tháng tới.
Theo Trần Minh/Báo Tin tức