(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành tại Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Thế nhưng kết quả của cuộc điều tra lại vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước, khi cho rằng kết quả này không đầy đủ và thiếu minh bạch. Và việc truy tìm nguồn gốc COVID-19 sẽ tiếp tục là vấn đề "đau đầu" với WHO.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo xét về số lượng vaccine đã sử dụng, đồng thời gọi tình trạng bất công trong hoạt động tiêm chủng hiện nay "gây phẫn nộ trên khía cạnh đạo đức".
* Tranh cãi về nguồn gốc SARS-CoV-2
Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm 2019 trước khi lan ra toàn thế giới. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện ca mắc đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán.
Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Bắc Kinh cũng không loại trừ giả thuyết các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có thể là nguồn bệnh.
Mặc dù vậy, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể phát tán từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc điều tra minh bạch về dịch bệnh. Phía Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc.
Nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc COVID-19, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1 và tháng 2 năm nay để nghiên cứu. Ngày 9/2, phái đoàn điều tra gồm các chuyên gia của WHO và Trung Quốc, cho biết không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận. Một chuyên gia phía WHO cũng nói rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ động vật sang người và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một số nhà khoa học và chính phủ Mỹ đã đặt câu hỏi về tính độc lập và độ tin cậy của nghiên cứu, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington và một số chính phủ khác “chính trị hóa” vấn đề truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cho rằng động thái này làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch và sẽ dẫn đến việc mất thêm nhiều sinh mạng - điều cực kỳ trái đạo đức.
* Báo cáo của WHO
Hơn 1 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngày 30/3 WHO đã công bố báo cáo bao gồm các giả thuyết về cách virus SARS-CoV-2 lần đầu lây nhiễm sang người.
Bản báo cáo dài 120 trang, đánh giá các khả năng phát sinh bệnh theo một số giả thuyết chính, nhưng không đưa ra kết luận chắc chắn nào. Theo đó, báo cáo nhận định "có khả năng hoặc rất có khả năng" bệnh lây qua một vật chủ trung gian; "có khả năng" bệnh lây truyền từ các chuỗi thực phẩm đông lạnh; tuy nhiên "cực kỳ ít khả năng" bệnh phát sinh từ một sự cố phòng thí nghiệm.
Theo báo cáo, các loại virus tương tự SARS-CoV-2 đã được tìm thấy ở các loài dơi và tê tê, nhưng chưa xác định được vật chủ trung gian truyền virus này sang người. Các loài chồn và mèo - từng được biết đến là những loài dễ nhiễm bệnh - có thể cũng là vật chủ trung gian.
Tuy nhiên báo cáo làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là đưa ra một câu trả lời xác đáng. Trong khi Trung Quốc ca ngợi bản báo cáo thì 14 nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Canada, Hàn Quốc và EU, bày tỏ quan ngại, cho rằng nghiên cứu này đã không đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào về thời gian, địa điểm hay vật chủ truyền bệnh, mà chỉ xếp hạng khả năng xảy ra của 4 giả thuyết vốn gây tranh cãi.
Đáp lại những chỉ trích từ dư luận quốc tế, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus ngày 31/3 nhấn mạnh rằng, báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 mới công bố chưa phải là khẳng định cuối cùng, nhưng các chuyên gia đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết về đại dịch.
Dù báo cáo của WHO về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 được coi là "bước đi đầu tiên hữu ích", song với việc chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều nước, WHO sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để hiểu rõ đại dịch bắt nguồn thế nào và lây nhiễm sang người ra sao. Một quy trình nhanh, hiệu quả, minh bạch, trên cơ sở khoa học và độc lập để đưa ra những đánh giá quốc tế là hết sức cần thiết.
Thanh Lâm (tổng hợp) - TTXVN