(Thethaovanhoa.vn) - Khí nhà kính thải vào bầu khí quyển thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm bề mặt Trái Đất nóng lên nhanh hơn cách hiểu trước đây. Đó là cảnh báo của các nhà khoa học Pháp đưa ra ngày 17/9 dựa theo các mô hình khí hậu mới, dự kiến sẽ thay thế các mô hình được sử dụng trong các dự báo của Liên hợp quốc (LHQ) hiện nay.
Ngày 5/8, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo cho thấy tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trên toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử.
Các mô hình riêng rẽ của hai trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại Pháp cho thấy đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng từ 6,5-7 độ C so với mức nhiệt thời tiền công nghiệp, nếu khí thải carbon không giảm. Nói cách khác, mức tăng này cao hơn 2 độ C so với kịch bản trong báo cáo đánh giá thứ 5 năm 2014 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Cách tính mới cũng cho thấy các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu về ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu mức "dưới mức 2 độ C", nếu có thể là 1,5 độ C, sẽ khó đạt được.
Người đứng đầu Trung tâm mô hình khí hậu Pierre Simon Laplace ở Paris, ông Olivier Boucher (Ô-li-vi-ê Bu-sê) cho biết: "Chúng ta giờ đã có các mô hình tốt hơn, có độ phân giải tốt hơn và đề cập đến các xu hướng khí hậu chính xác hơn".
Với việc Trái Đất nóng lên 1 độ C, thế giới đã phải đối mặt với những đợt gió nóng, hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới chết người ngày càng nghiêm trọng, và việc sự hủy diệt càng tăng vì nước biển dâng cao. Phát hiện của các mô hình mới là tin xấu đối với cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu.
Các mô hình của Pháp nằm trong số những mô hình được công bố đầu tiên, nhưng còn các mô hình khác được phát triển độc lập cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Một thế hệ mới của các mô hình khí hậu được mọi người biết đến là CMIP6 (bao gồm 2 mô hình vừa công bố ngày 17/9) sẽ củng cố thêm báo cáo quan trọng của IPCC vào năm 2021.
Bích Liên (TTXVN)