(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng viên tổng thống Pháp nghiêng về công kích và chỉ trích lẫn nhau, xúc phạm cá nhân nhiều hơn.
Vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang trong giai đoạn nước rút, khi hai ứng cử viên là ông Emmanuel Macron theo đường lối trung dung và bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu, hoàn tất cuộc tranh luận cuối cùng được truyền hình trực tiếp ngày 3/5 - bốn ngày trước khi cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu ra chủ nhân mới của Điện Elyseé.
Theo đánh giá của giới truyền thông thế giới, cuộc tranh luận nghiêng nhiều về công kích và chỉ trích lẫn nhau mà không đưa ra được những lập luận thuyết phục làm rõ đường hướng chính sách từng cử viên để lãnh đạo nước Pháp.
Tờ New York Times nhận định, cuộc tranh luận này giống như một chương trình truyền hình theo phong cách Mỹ với đầy sự giận dữ, hơn là một cuộc tranh luận có lý lẽ về những vấn đề mà nước Pháp phải đối mặt.
Hai ứng cử viên thường xuyên cắt ngang lời đối phương, chỉ trích, công kích lẫn nhau và có những hành động khiến người điều khiển cuộc tranh luận bối rối.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận cũng là một minh chứng rõ nét về hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau của nước Pháp mà các cử tri sẽ phải lựa chọn trong vòng cuối của cuộc bầu cử.
Tờ New York Times chỉ ra những khác biệt giữa hai ứng cử viên, khẳng định cả hai người đều không che giấu sự khinh thường dành cho đối phương, và điều này bắt nguồn từ sự bất đồng của họ trong tất cả mọi vấn đề, từ hội nhập châu Âu, khủng bố đến nền kinh tế trì trệ của Pháp.
Đồng quan điểm trên, kênh truyền hình CNN của Mỹ bình luận rằng, buổi tranh luận kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ này là cơ hội cuối cùng để ông Macron và bà Le Pen thuyết phục các cử tri Pháp rằng họ có đủ điều kiện dẫn dắt Pháp đương đầu với những lo ngại về vấn đề người nhập cư, hội nhập và một nền kinh tế ốm yếu.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận này gồm rất nhiều lời cáo buộc và ít sự tiết chế. Bà Le Pen tự nhận mình là ứng cử viên của người dân, của nước Pháp mà mọi người yêu mến, bà gọi ông Macron là một chủ ngân hàng "máu lạnh" sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình hình thất nghiệp tại Pháp.
Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngày 22/4 đã ghi nhận sự bứt phá của ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc đua nảy lửa vào Điện Elysee.
Về phần mình, ứng cử viên trung dung Macron cho rằng bà Le Pen giả dối và trong nhiều năm qua chỉ hưởng lợi dựa trên sự giận dữ của người dân và đẩy mạnh tinh thần chủ bại.
Trong khi đó, tờ The Guardian của Anh cũng cho rằng cuộc tranh luận này thiên về những chỉ trích và xúc phạm cá nhân nhiều hơn là chi tiết về chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Pháp. Theo báo này, cuộc tranh luận giữa ông Macron và bà Le Pen dữ dội hơn bất cứ cuộc tranh luận nào trong lịch sử nước Pháp.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong 150 phút tranh luận, hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đối nội như kinh tế, chống khủng bố... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga.
Sau phần mở đầu, đi vào từng vấn đề cụ thể, ông Macron đã điềm tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viên, phân tích và giải thích rõ ràng các đề xuất có tính khả thi của mình. Về các giải pháp cho thị trường lao động, ông cho rằng cần tạo cơ chế uyển chuyển và tăng khả năng thương lượng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp để khuyến khích giới chủ tuyển dụng người lao động. Về bài toán nợ quốc gia, ông chủ trương tiến hành các cải cách mạnh mẽ để có thể tiết kiệm 60 tỷ euro trong cả nhiệm kỳ, trong đó 10 tỷ sẽ để bù đắp vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Ông cũng chủ trương giảm thuế cho doanh nghiệp từ 33,3% xuống còn 25%, nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và tăng sức mua cho người dân. Về các vấn đề an ninh và chống khủng bố, ông Macron đề xuất tăng thêm 10.000 vị trí trong lực lượng cảnh sát và hiến binh, đồng thời tăng cường trang thiết bị để các lực lượng này có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trong phần phát biểu của mình, bà Le Pen đưa ra những hứa hẹn về tăng trợ cấp xã hội, giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống 60.
Về chủ đề châu Âu, bà Le Pen vẫn giữ tư tưởng cực hữu bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại. Bà tuyên bố muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một "liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền", theo đó các quốc gia tự định đoạt tương lai của mình, kiểm soát biên giới và có đồng tiền riêng phù hợp với nền kinh tế để tránh tình trạng thất nghiệp cao. Trong khi đó, ông Macron nhấn mạnh vào quyết tâm xây dựng một nước Pháp với nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trong một châu Âu có khả năng đảm bảo tốt về an ninh và kinh tế cho người dân.
Đây là cuộc tranh luận cuối cùng, và do đó được xem như vòng quyết đấu, có ý nghĩa sống còn đối với hai ứng cử viên trước khi vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Một cuộc khảo sát nhanh ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận cho thấy 63% người được hỏi cho rằng ông Macron đã có phần thể hiện thuyết phục hơn bà Le Pen, trong khi chỉ có 34% bày tỏ hài lòng với nữ ứng cử viên này.
Kết quả thăm dò dư luận trước đó cũng cho thấy ông Macron dẫn trước bà Le Pen với tỷ lệ 59% số cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, ông Macron cũng lo ngại kết quả cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp và khả năng nhiều cử tri bỏ phiếu trắng.
TTXVN/Tin Tức