(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/5, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith đã cáo buộc Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm một phần về vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hôm 12/5 vừa qua.
Ông Smith, người cũng là trưởng tư vấn pháp lý của Microsoft, đã chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), "tích trữ" các mã mềm có thể bị tin tặc lợi dụng.
Ông kêu gọi các chính phủ cần thông báo cho các công ty phần mềm về những lỗ hổng an ninh mà họ phát hiện được, thay vì "tích trữ, bán lại hoặc khai thác sử dụng chúng". Theo ông Smith, một kịch bản tương tự với trường hợp vũ khí thông thường là việc quân đội Mỹ bị đánh cắp một số tên lửa Tomahawk.
Trong khi đó, các chính phủ và chuyên gia máy tính đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nguy cơ tồi tệ hơn khi bắt đầu tuần làm việc mới. Các cơ quan an ninh châu Âu nhấn mạnh tác động từ vụ tấn công "tống tiền bằng mã độc", vốn đã làm tê liệt hơn 200.000 máy tính trên khắp thế giới hồi cuối tuần qua, có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa vào ngày 15/5, thời điểm mọi người trở lại công việc của tuần mới. Dự kiến, số máy tính bị nhiễm mã độc sẽ tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, tốc độ lan truyền mã độc WannaCry có giảm, song đây có thể chỉ là tạm thời và những phiên bản mới của loại virus tống tiền này có thể xuất hiện với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều và chưa thể lường hết quy mô thiệt hại, đặc biệt về mặt kinh tế, của vụ tấn công bắt đầu từ hôm 12/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ thị cho Cố vấn An ninh nội địa Tom Bossert triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đánh giá các nguy cơ của vụ tấn công mạng toàn cầu này. Các quan chức an ninh cấp cao Mỹ trước đó cũng đã tiến hành họp khẩn tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, trong khi Cục Điều tra liên bang (FBI) và NSA đang phối hợp nhằm hạn chế thiệt hại cũng như xác định thủ phạm đứng sau vụ tấn công.
Hiện tại, mã độc có tên là WannaCry khai thác một số lỗ hổng trên hệ điều hành Windows để tấn công vào các máy tính với mục tiêu mã hóa dữ liệu để đòi tiền chuộc, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn cầu.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng những tin tặc không rõ danh tính phát động vụ tấn công mạng quy mô lớn hồi cuối tuần qua đã lợi dụng một công cụ tấn công mạng do NSA phát triển, vốn bị rò rỉ trên mạng hồi tháng 4/2017, làm xúc tác để thực hiện vụ tấn công.
Vụ tấn công mạng đang lan rộng ở khoảng hơn 150 nước trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Bồ Đào Nha và nhiều quốc gia khác, làm tê tiệt hệ thống máy tính của các ngân hàng, bệnh viện, trường học... Theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin.
Ngay sau các vụ tấn công, các công ty an ninh mạng xác định virus gây ra vụ tấn công là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft Corp. Các chuyên gia khuyến cáo cần nâng cấp hệ thống càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị tấn công mạng, trong khi Microsoft cũng thông báo cung cấp phần mềm vá lỗi của mình.
TTXVN