'Mark Zuckerberg' của Nigeria, người đưa công nghệ vào giáo dục

Thứ Năm, 3/4/2014, 11:1 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 23, nhiều người trên thế giới vẫn còn theo học trường đại học, tìm kiếm công việc trong khi Gossy Ukanwoke đã sáng lập nên một trường đại học trực tuyến đầu tiên ở Nigeria.

Doanh nhân trẻ 23 tuổi là người sáng lập nên trường Đại học Beni American (BAU). Trường học đầu tiên ở Nigeria cung cấp việc dạy và học hoàn toàn trực tuyến. Ra đời vào cuối năm 2012, nhà trường cho phép sinh viên đến lớp học vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày chỉ bằng thiết bị kết nổi internet.

Gossy Ukanwoke đã theo đuổi tham vọng xây dựng một trường đại học áp dụng công nghệ vào giảng dạy kể từ năm 2012

"Chúng tôi cung cấp chương trình học cho những người muốn tìm kiếm việc làm, xây dựng hồ sơ cá nhân hoặc những người quản lý muốn nâng cao khả năng cá nhân trong công ty", Ukanwoke bây giờ 25 tuổi cho biết. "Chúng tôi cũng có khóa học cho những người muốn bắt tay vào công việc kinh doanh".

"Mark Zuckerberg" của Nigeria

Ý tưởng của Ukanwoke tạo nên một trường đại học trực tuyến bắt đầu từ mạng xã hội giáo dục Student Circle do chính anh sáng lập khi còn theo học tại trường đại học. Mạng xã hội này cho phép các học viên tương tác, truy cập, tìm kiếm miễn phí những tài nguyên phục vụ cho công việc học tập.

"Khi tôi tạo nên Student Circle vào năm 2010. Tôi nhận ra rằng nhiều sinh viên muốn tìm kiếm thêm những chứng chỉ có giá trị phục vụ cho công việc tìm kiếm việc làm hoặc thăng chức trong tương lai".

Một phương pháp dạy và học mới từ đó đã xuất hiện ở Nigeria. Tạp chí Forbes trong một bài phỏng vấn với Ukanwoke từng so sánh anh là "Mark Zuckerberg" của Nigeria.

Sau 18 tháng xây dựng trường Đại học trực tuyến đầu tiên, Ukanwoke đã thuê khoảng 10 giảng viên với 200 sinh viên có độ tuổi trung bình khoảng 26.

Cuộc hành trình của Ukanwoke không hề dễ dàng với những thách thức đến từ chính quyền. Pháp luật Nigeria yêu cầu các trường đại học phải có một khuôn viên riêng và Ukanwoke đã phải mua đất ở Benue với mục tiêu xây dựng một cơ sở tư nhân có thể hỗ trợ tới 10.000 sinh viên.

Trường Đại học Beni American dạy cho các học viên cách sống và cách kiếm sống

Dự án đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ ra mắt vào năm tới. Trong khi chờ đợi, chương trình giáo dục trực tuyến với 12 tuần có mức phí vào khoảng 100-200 USD. Các khóa học chủ yếu bao gồm chính sách ngoại giao của công ty, công tác quản lý và lãnh đạo, quản lý dự án và kinh doanh. Đó là những mục tiêu giảng dạy phù hợp với nhu cầu cần thiết ở Nigeria.

Giáo dục là chìa khóa thành công

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, cả cha và mẹ đều là giáo viên, Ukanwoke nói rằng anh được thúc đẩy bởi niềm đam mê sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội.

"Tôi lớn lên trong môi trường với giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt trong khi kinh doanh là một điều mà tôi luôn ao ước thực hiện", Ukanwoke chia sẻ.

Với Ukanwoke, giáo dục là một điều cần thiết để đưa đất nước Nigeria trở nên tiến bộ hơn. "Vấn đề không đơn thuần chỉ là một giấy chứng nhận, giáo dục giảng dạy con người cách để kiếm sống, cách sống và làm thế nào để tương tác một cách hiệu quả với những người xung quanh".

"Giáo dục đi kèm với kỷ luật là một điều rất cần thiết ở Nigeria. Giáo dục chính là chìa khóa của sự thành công". Ukanwoke chủ yếu dựa vào phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá cho hoạt động của trường nhưng việc các sinh viên chia sẻ thông tin với nhau là yếu tố chính giúp BAU ngày càng có nhiều người theo học.

Cuối cùng, Ukanwoke nói rằng phía trước vẫn là một chặng đường dài với nhiều thách thức. Nhưng khi nhìn lại những thành quả của mình, Ukanwoke cảm thấy tự hào vì những gì đã đạt được.

Đăng Nguyễn
Theo CNN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến