(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận quốc tế đã “dậy sóng” sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5 tới. Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử này sẽ diễn ra ở đâu? Giới chuyên gia đã dự đoán hàng loạt địa điểm và một trong số đó là thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Theo trang mạng “The Diplomat”, dù làng đình chiến Panmumjom tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều là giải pháp khả thi nhất, song Chính quyền Tổng thống Trump cũng nên tính tới một địa điểm trung lập khác như thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Trong cuốn sách tựa đề “Nghệ thuật đàm phán”, Tổng thống Trump nhấn mạnh yếu tố “Tăng cường vị thế của bạn” như là 1 trong 11 con đường dẫn tới đàm phán thành công. Bối cảnh hiện nay, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều nhiều khả năng sẽ gắn với một số điều kiện và không rõ địa điểm gặp mặt có nằm trong số những điều kiện đó không.
Chưa đầy 12 tiếng sau khi có tin ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ gặp nhau, cựu Tổng thống Mông Cổ Ts Elbegdorj đã đăng trên trang mạng cá nhân dòng trạng thái: “Đây là một đề nghị: Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên hãy gặp nhau tại Ulaanbaatar. Mông Cổ là nơi trung lập và phù hợp nhất. Chúng tôi từng tổ chức nhiều cuộc gặp quan trọng, trong đó có cuộc gặp giữa Nhật Bản và Triều Tiên”.
Trên thực tế, giới chuyên gia đánh giá Mông Cổ hoàn toàn là một lựa chọn sáng giá để đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên. Vì sao?
Thứ nhất, Mông Cổ đã thực thi chính sách trung lập về chính trị hoặc quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia láng giềng trong khu vực kể từ khi nước này tiến hành cuộc cách mạng dân chủ năm 1990.
Thứ hai, Mông Cổ quan hệ hữu hảo với Mỹ. Từ năm 1990, chính quyền Ulaanbaatar đã xây dựng các mối quan hệ thân thiện với Washington, thể hiện qua các chuyến trao đổi đoàn quan chức cấp cao và viện trợ đầu tư của Mỹ.
Thứ ba, quan hệ hữu nghị với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ngoại trưởng Mông Cổ Damdin Tsogtbaatar vừa có chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tháng Hai và Triều Tiên đã ký kết thỏa thuận cho phép hàng nghìn công nhân đến Mông Cổ làm việc trong nhiều năm.
Thứ tư, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra ở châu Á. Phái đoàn Triều Tiên có thể dễ dàng tới Ulaanbaatar với một chuyến bay qua lãnh thổ Trung Quốc hoặc đi tàu hỏa qua Trung Quốc hay Nga. Phái đoàn Mỹ cũng dễ dàng bay từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản qua Trung Quốc tới Ulaanbaatar.
Thứ năm, các cuộc gặp trong quá khứ. Giới chức Triều Tiên từng gặp quan chức chính phủ nước thứ 3 tại Mông Cổ và Mông Cổ cũng thường xuyên mời Triều Tiên dự các sự kiện nước này tổ chức. Các cuộc gặp giữa Nhật Bản và Triều Tiên vào năm 2007 và 2012, hay Cuộc Đối thoại Ulaanbaatar về Đông Bắc Á năm 2017, đều được đánh giá là thành công vì phái đoàn Triều Tiên cảm thấy thoải mái khi tham dự.
Thứ sáu, uy tín của Mông Cổ. Phi hạt nhân hóa sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Năm 2012, Mông Cổng đã được chính thức công nhận là khu vực phi hạt nhân.
Thứ bảy, các đồng minh của cả Mỹ và Triều Tiên sẽ đều chấp nhận cuộc gặp diễn ra ở Ulaanbaatar. Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên hội nghị diễn ra tại một địa điểm dễ can dự trực tiếp hơn, song Mông Cổ có lẽ là một giải pháp thỏa hiệp chấp nhận được. Nhật Bản thì đánh giá cao việc Mông Cổ đăng cai các sự kiện trong quá khứ và việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở xa Bán đảo Triều Tiên có thể mang lại cơ hội đưa vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản vào chương trình nghị sự.
Chưa rõ Nga và Trung Quốc có đề xuất một địa điểm cụ thể nào hay không, nhưng có lẽ hai nước này cũng sẽ tán thành Ulaanbaatar.
Thứ 8, cơ sở hạ tầng. Dù Ulaanbaatar sẽ gặp khó khăn khi hàng trăm quan chức quốc tế tới đây dự hội nghị, song nước này từng tổ chức các hội nghị tương tự như vậy trong quá khứ, gần đây nhất là Hội nghị Á-Âu vào mùa Hè 2016. Lượng khách du lịch tới Ulaanbaatar vào tháng 5 cũng không đông, do đó các khách sạn và hàng không có thể đáp ứng được nhu cầu của một lực lượng phóng viên báo chí đông đảo tới đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Như vậy, ngoài làng đình chiến Panmumjom, có lẽ Ulaanbaatar đang nổi lên là ứng viên sáng giá nhất để đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có hàng loạt địa điểm khác đang được tính tới như Geneva, Tokyo, Bắc Kinh, Washington DC, Bình Nhưỡng và Seoul.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 cho biết ông đã chuẩn bị sẵn sàng gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên vào tháng 5 tới.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức