(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học, gây ra làn sóng phẫn nộ kêu gọi Quốc hội Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng vốn đã bị trì hoãn từ lâu.
Sau vụ nổ súng đẫm máu xảy ra tại một trường trung học ở Florida, trang mạng CNN có đăng bài phân tích lý do khiến Quốc hội Mỹ không thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Vụ xả xúng kinh hoàng diễn ra tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở thành phố Parkland thuộc bang Florida (Mỹ) ngày 14/2 khiến 17 người thiệt mạng là thảm kịch mới nhất sau loạt vụ nổ súng hàng loạt xảy ra trong vài thập kỷ qua.
Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học, gây ra làn sóng phẫn nộ kêu gọi Quốc hội Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng vốn đã bị trì hoãn từ lâu.
Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng rằng liệu các nhà lập pháp Mỹ sẽ thực sự muốn thông qua luật này hay không, điều quan trọng cần lưu ý đó chính là ý kiến của công chúng (không chỉ là các nhóm vận động) khiến cho việc thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn trở nên khó khăn hơn ở Quốc hội.
Trong các cuộc tranh luận về vấn đề kiểm soát súng, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết 90% người Mỹ ủng hộ thúc đẩy dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch của người mua súng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại các biện pháp kiểm soát súng an toàn mở rộng. Tại sao?
Một phần của những gì đang xảy ra là do quan điểm của cử tri về kiểm tra lý lịch của người mua súng không thực sự là quan điểm đại diện về chính sách súng tổng thể.
Kết quả của tất cả các cuộc thăm dò dư luận trực tiếp được thực hiện trong năm 2017 về xu hướng ủng hộ của người Mỹ đối với quan điểm của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đối với chính sách súng đạn cho thấy, trung bình số người Mỹ ủng hộ quan điểm của đảng Cộng hòa nhiều hơn 1 điểm phần trăm so với số người ủng hộ quan điểm của đảng Dân chủ.
Năm 2017, các cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành đối với 10 vấn đề khác nhau, như nạo phá thai, thương mại tự do, hôn nhân đồng tính... cho thấy người Mỹ có sự phân cực rõ ràng đối với chính sách súng đạn hơn bất kỳ vấn đề nào khác, ngoại trừ vấn đề xây dựng bức tường biên giới dọc Mexico.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Pew về vấn đề này, 79% đảng viên Cộng hòa ủng hộ việc bảo vệ quyền sở hữu súng đạn, trong khi đó chỉ có 20% đảng viên đảng Dân chủ cùng chung quan điểm trên. Nói cách khác, khoảng cách điểm phần trăm giữa hai đảng về vấn đề này là 59 điểm.
Kết quả cuộc thăm dò do Gallup thực hiện năm 2017 cho thấy khi được hỏi sẽ bầu cho ứng cử viên nào có chung quan điểm về chính sách súng đạn hay việc cùng chung quan điểm về chính sách súng đạn sẽ là một trong nhiều yếu tố quan trọng để họ cân nhắc trước khi bỏ phiếu, 30% người Mỹ sử dụng súng cho biết họ sẽ chỉ bầu cho ứng cử viên nào có cùng quan điểm với họ, trong khi đó chỉ có 20% người không có súng có cùng quan điểm trên.
Từ năm 2000, tỷ lệ người sở hữu súng cho rằng chính sách súng đạn là yếu tố chính để họ quyết định bỏ phiếu đã tăng 17 điểm, so với mức tăng 10 điểm của những người không sở hữu súng. Các cuộc thăm dò của Pew cũng cho thấy kết quả tương tự.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, quyền sở hữu súng đạn là vấn đề ảnh hướng đến sự lựa chọn của cử tri. Ông Donald Trump đã giành được phiếu bầu của các gia đình sử dụng súng ở tất cả các bang, ngoại trừ Vermont, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các gia đình không sử dụng súng ở tất các bang, trừ Tây Virginia. Như vậy, chắc chắn rằng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa sẽ không có động thái gì đối với việc kiểm soát súng vì họ đang làm theo mong muốn của cử tri.
Năm 1993, khi Pew lần đầu tiên tiến hành thăm dò về việc ủng hộ quyền sử dụng súng hoặc kiểm soát sở hữu súng đạn, 35% số người Mỹ được hỏi ủng hộ quyền sử dụng súng và 57% ủng hộ việc kiểm soát súng. Đến tháng 3/2000 (một năm sau vụ thảm sát bằng súng xảy ra ở trường trung học Columbine khiến 15 người chết và 24 người bị thương), số người ủng hộ quyền sử dụng súng giảm xuống còn 29%, trong khi đó số người ủng hộ việc kiểm soát súng tăng 67%.
Sự ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng có thể tăng lên đột biến sau những vụ xả súng như thảm họa súng xảy ra ở Columbine, Sandy Hook và mới đây nhất là ở Florida. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó chỉ là tạm thời, còn xu hướng lâu dài chính là quan điểm ủng hộ quyền sử dụng súng.
Ngày 3/2, một người đàn ông đã xả súng vào người qua đường khiến ít nhất 4 người nhập cư gốc Phi bị thương tại thành phố Macerata, miền Trung Italy.
TTXVN