(Thethaovanhoa.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27-28/2. Cuộc gặp thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra sau khi cuộc gặp lần thứ nhất chưa tạo ra được nhiều tiến triển thiết thực mà hai bên mong đợi. Do đó, mọi kỳ vọng đang đổ dồn lên vai hai nhà lãnh đạo khi họ tới Hà Nội cuối tháng này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 26/9 cho biết ông đang nỗ lực xúc tiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.
Tại sao Việt Nam được chọn?
Trong Thông điệp Liên bang đọc ngày 5/2, Tổng thống Trump đã thông báo thủ đô Hà Nội sẽ là nơi tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo đánh giá của báo chí thế giới, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai hơn là hai ứng cử viên khác gồm Thái Lan và Hawaii.
Hãng tin AP (Mỹ) cho rằng Việt Nam được chọn nhờ có nền chính trị ổn định, bộ máy an ninh hiệu quả và đáng tin cậy. Trên thực tế, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, trong đó có Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định: “Như Singapore - nơi họ gặp nhau lần trước, Việt Nam là một địa điểm rất an toàn”. Tổng thống Trump đã tham dự các cuộc họp APEC 2017 nên ông quen thuộc với Việt Nam và có quan hệ tốt với lãnh đạo Việt Nam.
Về phần Triều Tiên, ông Hiebert cho rằng Việt Nam có quan hệ hữu nghị với Triều Tiên nên nước này cũng quen thuộc với Việt Nam và các quan chức Việt Nam. Phía Triều Tiên tin tưởng hệ thống an ninh của Việt Nam có thể đảm bảo cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài ra, chuyến bay từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội chỉ khoảng 4 tiếng, ngắn hơn thời gian bay tới Singapore.
Nhận định với hãng tin AP, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore nói: Triều Tiên cũng có thể muốn học hỏi từ mô hình phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam nhờ cải cách kinh tế táo bạo, tích cực hội nhập kinh tế thế giới và có quan hệ tuyệt vời với các đối tác chiến lược, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc.
Phó Giáo sư Vũ Minh Khương nhận định: “Khi chọn Việt Nam, hai nhà lãnh đạo gửi thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng Washington và Bình Nhưỡng sẵn sàng đưa ra quyết định đột phá để biến thù thành bạn và cùng nhau làm cho thế giới thành nơi tốt đẹp”. Với ý tưởng này, quá trình cải thiện quan hệ giữa hai cựu thù là Mỹ và Việt Nam thật sự là một hình mẫu.
Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có nhận định tương tự khi nói rằng Tổng thống Trump tin rằng đất nước Triều Tiên có thể đi theo con đường của Việt Nam và Triều Tiên nên chớp lấy khoảnh khắc này.
Ngày 6/2/, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp thượng đỉnh lần hai. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hoà bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên”.
Kỳ vọng gì tại Việt Nam?
Trước Hội nghị Thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam, ngày càng có nhiều áp lực đối với Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc đạt được một thỏa thuận giúp hai bên tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Theo tờ Washington Post, Triều Tiên có thể sẵn sàng dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon, còn Mỹ có thể sẵn sàng nhượng bộ, dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.
Cơ sở hạt nhân Yongbyon nằm cách phía bắc Bình Nhưỡng 100km, có đủ tiêu chuẩn để sản xuất cả plutoni và urani – hai thành phần chính của vũ khí hạt nhân. Báo chí Triều Tiên gọi khu phức hợp gồm 390 tòa nhà này là “trái tim của chương trình hạt nhân”.
Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng ông Kim Jong-un hứa dỡ bỏ khu phức hợp Yongbyon nếu Mỹ thực hiện các bước đi tương xứng. Ông Stephen Biegun, đại diện đặc biệt về vấn đề Triều Tiên của Mỹ, gần đây cũng nói rằng ông Kim Jong-un cam kết dỡ bỏ, phá hủy các cơ sở làm giàu urani và plutoni khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ tới thăm hồi tháng 10/2018.
Từ khi bắt đầu những nỗ lực ngoại giao mới năm 2018, Bình Nhưỡng đã ngừng thử tên lửa và hạt nhân, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân và một phần bãi thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phá hủy khu phức hợp Yongbyon sẽ là bước giải giáp lớn nhất của Triều Tiên và sẽ cho thấy ông quyết tâm đàm phán với Tổng thống Trump. Dù vậy, cũng có lo ngại rằng việc phá hủy Yongbyon chỉ là một nửa thỏa thuận và không có nghĩa là phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Về phần Mỹ, để khiến Triều Tiên cam kết phá hủy Yongbyon, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump cần thực hiện một số nhượng bộ quan trọng. Những nhượng bộ này có thể là việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng, cho phép Triều Tiên khởi động lại một số dự án kinh tế với Hàn Quốc và giảm một số biện pháp trừng phạt.
Ông Chon Huyn-joon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hợp tác Hòa bình Đông Nam Á ở Hàn Quốc, nhận định: “Với Triều Tiên, từ bỏ khu phức hợp Yongbyon là một đòn cân não… vì thế Triều Tiên sẽ có thể tìm cách giành được một số lợi ích kinh tế”.
Hình ảnh tổng hợp hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore (nguồn: CNN):
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hai bên đang gặp khó khăn trong quá trình hiện thực hóa cam kết này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể giảm sự thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên và thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, để biến Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam thành “bom tấn”, Tổng thống Trump có thể cần nhiều hơn là Yongbyon, ví dụ như kê khai chi tiết tài sản hạt nhân của Triều Tiên, chuyển một số vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa ra khỏi Triều Tiên để vô hiệu hóa. Đổi lại, Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu giảm mạnh trừng phạt, nối lại xuất khẩu than và khoáng sản khác.
Cho dù thỏa thuận hai bên đạt được ở Việt Nam có mang tính đột phá hay không, ít nhất thiện chí muốn gặp nhau lần nữa để hiểu nhau hơn, để đàm phán, để xây dựng niềm tin đã chứng tỏ mong muốn hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Với quan hệ Mỹ-Triều hiện nay, niềm tin chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Hy vọng Việt Nam sẽ trở thành cầu nối cho Mỹ và Triều Tiên, cũng như cho hòa bình thế giới.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức