(Thethaovanhoa.vn) - Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet tuần này cho biết khoảng 40% bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán (Wuhan, Trung Quốc) có các kháng thể có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 9 tháng.
Số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực châu Âu đã vượt 1 triệu người vào ngày 19/3, trong bối cảnh châu lục này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ ba do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ dương tính tại "tâm dịch" này của Trung Quốc hồi đầu năm ngoái chỉ là 6,9%, cho thấy chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người dân thành phố này nhiễm bệnh sau khi bùng phát dịch.
Là nghiên cứu dài hạn đầu tiên về huyết thanh tại Vũ Hán, nghiên cứu trên đã kiểm tra các kháng thể bệnh COVID-19 trong hơn 9.500 cư dân thành phố sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ đầu tháng 4/2020. Các xét nghiệm máu được tiến hành sau đó trong tháng 6 và từ tháng 10-12/2020 để đánh giá liệu các kháng thể có còn tồn tại hay không.
Nghiên cứu cũng cho thấy mức kháng thể ở người nhiễm không có triệu chứng thấp hơn ở những bệnh nhân đã được xác nhận và các ca nhiễm có triệu chứng.
Tác giả bài viết trên The Lancet, Chủ tịch Viện Hàn lâm Y khoa và Trường đại học Y Bắc Kinh, ông Vương Thần (Wang Chen) cho biết: "Đánh giá tỷ lệ dân số mắc và những người miễn dịch rất quan trọng trong việc xác định các chiến lược phòng và kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch". Một đồng tác giả cho biết nghiên cứu trên có thể tạo điều kiện cho việc phòng tránh lây nhiễm chính xác trong tương lai.
Richard Strugnell, một chuyên gia nổi tiếng về vi sinh vật học và miễn dịch tại Viện Doherty của Australia, cho biết nghiên cứu "đã nhấn mạnh thành quả lớn của hệ thống y tế công Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch ở Vũ Hán vào thời điểm mà các nguồn lực xét nghiệm, truy vết và điều trị đều chưa phát triển nhiều". Theo ông Strugnell, đây là "hòn đá tảng trong việc mô tả tình hình nhiễm virus SARS-CoV-2 và hiểu về miễn dịch trong đại dịch COVID-19".
TTXVN