(Thethaovanhoa.vn) - Các phiên điều trần liên quan tới cáo buộc tham nhũng đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kéo dài trong 4 ngày đã kết thúc tối 7/10. Thủ tướng Netanyahu không tham gia các phiên điều trần này, thay vào đó, một nhóm gồm 10 luật sư hàng đầu đại diện cho ông trình bày các lập luận.
Tối 2/3, những người ủng hộ và phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đổ xuống đường, sau khi Tổng Chưởng lý Avichai Mandelblit tuyên bố sẽ truy tố tội danh tham nhũng đối với nhà lãnh đạo này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, các phiên điều trần này là cơ hội để nhóm luật sư thuyết phục Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit không cáo buộc Thủ tướng Netanyahu các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm. Nội dung các phiên điều trần tập trung vào vụ nhận hối lộ, được cảnh sát đặt tên là “Vụ 4000”, cũng như "vụ 1000" và “vụ 2000”.
Trong “Vụ 4000”, Thủ tướng Netanyahu bị tình nghi nhận các khoản hối lộ từ một cựu cổ đông nắm quyền kiểm soát Bezeq, công ty viễn thông lớn nhất của Israel, để làm lợi cho công ty này. Ở "Vụ 1000", ông Netanyahu và gia đình bị cáo buộc nhận các đồ xa xỉ như nữ trang, rượu, xì-gà đắt tiền với tổng giá trị 1 triệu shekel (285.000 USD) từ nhiều nhân vật giàu có để đổi lấy các ưu đãi cá nhân hoặc tài chính trong giai đoạn 2007-2016.
Trong "Vụ 2000", các điều tra viên nghi ngờ Thủ tướng Netanyahu "bắt tay" với chủ bút của tờ báo bán chạy nhất Israel để đăng tải nhiều thông tin có lợi cho ông. Cho đến nay, Thủ tướng Netanyahu luôn phủ nhận mọi hành vi sai phạm và bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đây là âm mưu chính trị nhằm hạ bệ ông.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã yêu cầu các phiên điều trần phải được truyền hình trực tiếp vì ông không có gì để che giấu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Mandelblit đã bác bỏ yêu cầu này và cho rằng các phiên điều trần nhằm thuyết phục các cơ quan pháp lý, chứ không phải công chúng.
Ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Mandelblit về việc có đưa ra các bản cáo trạng hay không sẽ tiếp tục được xem xét trong nhiều tuần tới. Thủ tướng Netanyahu không bị buộc phải từ chức nếu bị truy tố.
Trong khi đó, cùng ngày, tờ Haaretz dẫn số liệu thăm dò do hãng tin tức Walla tiến hành, cho biết 50% người dân Israel tham gia khảo sát không ủng hộ thành lập một chính phủ thống nhất do Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo.
Kết quả khảo sát trên cũng cho biết 42% số người được hỏi ủng hộ một chính phủ thống nhất bao gồm đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu và đảng liên minh Xanh-Trắng của ông Benny Gantz do ông Netanyahu lãnh đạo và có 8% không đưa ra quyết định.
Cả ông Netanyahu và ông Gantz đều đã kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất do hai đảng Likud và liên minh Xanh-Trắng lãnh đạo, nhưng quá trình đàm phán giữa hai đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử ngày 17/9 vừa qua chưa có tiến triển.
Ngày 1/10, đảng Xanh-Trắng đã thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ thống nhất với đảng Likud. Ông Gantz từ chối tham gia một chính phủ do ông Netanyahu lãnh đạo với lý do ông Netanyahu đang bị cáo buộc tham nhũng.
Việt Thắng - Công Đồng/TTXVN