(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Ngoại giao Iran ngày 24/8 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ thử tên lửa hành trình mà Mỹ vừa thực hiện gần đây, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.
Ngày 24/8, Nga đã thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava từ hai tàu ngầm ở vùng biển Bắc Cực và biển Barents.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng “hành động này của Mỹ có thể kích động cuộc chạy đua vũ trang ở cấp độ toàn cầu”. Ông Mousavi nêu rõ: “Ngoài ra, nó sẽ làm gia tăng sự mất ổn định và đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối “các hành động gây mất ổn định và rút khỏi các hiệp ước quốc tế” của Washington.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF, dẫn tới Nga cũng đình chỉ hiệp ước. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết vụ thử tên lửa được tiến hành hôm 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất đã bị đưa ra khỏi phiên chế sau khi INF được thông qua.
Ngọc Biên