(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Tehran đã tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm và phải chấm dứt ngay".
Ngày 1/7, Mỹ cảnh báo duy trì “sức ép tối đa” cho tới khi Iran “thay đổi tiến trình hành động” sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif xác nhận lượng dự trữ urani làm giàu của nước này đã vượt phạm vi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký với các cường quốc phương Tây.
Trên trang Twitter, ông Zarif nêu rõ: "Iran không phải là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cũng không phải là mục tiêu của bất cứ lệnh cấm vận dầu mỏ nào của châu Âu". Ông nhấn mạnh việc Anh bắt giữ trái phép một tàu chở dầu Iran rõ ràng là hành động "cướp biển" và cần phải chấm dứt ngay.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cũng cho rằng việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh tuần trước là một hành động đe dọa không thể dung thứ.
Quan hệ giữa Iran và Anh trở nên căng thẳng sau khi lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh ngày 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Giới chức vùng lãnh thổ Gibraltar cho biết có thể bắt giữ tàu này trong 14 ngày. Phản ứng trước động thái trên, Tehran cho rằng việc London bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động trái phép. Thứ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định tàu Grace 1 không hướng đến Syria.
Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này. Khoảng 227 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của khoảng 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.
TTXVN