(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/3, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo có sự chênh lệch rõ nét giữa các kế hoạch triển khai vaccine ngừa bệnh COVID-19 trên toàn cầu, cho rằng những cộng đồng hẻo lánh có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội được tiêm vaccine.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất trên thế giới tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
IFRC đặt mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 500 triệu người. Mạng lưới hỗ trợ nhân đạo lớn nhất thế giới này đang lên kế hoạch tập trung vào hoạt động tiếp nhận và phân phối vaccine ở một số cộng đồng hẻo lánh khó tiếp cận nhất.
Tuy nhiên, IFRC cho biết trong khi công tác thu mua vaccine và vận chuyển vaccine đến sân bay được chú trọng, các bước đi tiếp theo lại ít được tính đến như làm thế nào phân phối những liều vaccine này tới những nơi hẻo lánh nhất.
IFRC cho biết cần 111 triệu USD để vận chuyển vaccine từ các sân bay ở những thành phố lớn đến những khu dân cư hẻo lánh. Tuy nhiên, đến nay IFRC mới chỉ gây quỹ được 3% con số này. Chủ tịch IFRC Francesco Rocca lo ngại: “một số người sống biệt lập và dễ bị tổn thương nhất thế giới sẽ không được tiếp cận vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc virus sẽ tiếp tục lây lan và biến đổi, nhiều người sẽ tiếp tục mắc bệnh và tử vong”.
IFRC đang lên kế hoạch tăng cường các nỗ lực quốc gia về triển khai vaccine, bao gồm cả hỗ trợ logistics và chống lại những thông tin sai lệch về hiệu quả của vaccine.
Hiện nhiều Hội Chữ Thập Đỏ quốc gia đang tích cực hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vaccine trong nước. Đến nay, ước tính khoảng 7 triệu người, đa số ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã được tiêm vaccine nhờ sự hỗ trợ của các hiệp hội này.
Ông Rocca cho biết các tình nguyện viên và nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ đang tiến hành chiến dịch tiêm vaccine cho những cộng đồng hẻo lánh tại khu vực Amazon ở Brazil, đồng thời tiêm vaccine cho những người tị nạn tại các nước Maldives, Hy Lạp và CH Séc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang dẫn đầu sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX nhằm đảm bảo những quốc gia kém phát triển hơn cũng được tiếp cận vaccine. Đến nay, cơ chế này đã giúp vận chuyển hơn 20 triệu liều vaccine đến 20 quốc gia và dự kiến phân phối thêm 14,4 triệu liều vaccine đến 31 nước và vùng lãnh thổ khác trong tuần này.
Nguyễn Hằng/TTXVN