(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Hangzhou (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo đã kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhiều nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.
Hội nghị diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, nên nhiều nhà quan sát không chỉ đưa ra các cảnh báo mạnh mẽ về sự tiêu cực của chủ nghĩa biệt lập, mà còn kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ tích cực tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lan rộng và những nguy cơ từ sự biến động của các thị trường tài chính.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đang bước vào “một giai đoạn then chốt” khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút, các thị trường tài chính nhiều biến động, trong khi các hoạt động thương mại và đầu tư vẫn rất bấp bênh.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 4/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông, động lực tăng trưởng đang suy giảm dần, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp và kỹ thuật mới chưa có được lực đẩy mạnh mẽ và cần thiết.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự lan rộng và gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, hủy hoại nhiều thỏa thuận thương mại đa phương. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã có những cải tổ về thủ tục hành chính, song các thị trường vẫn rất thiếu ổn định.
Trước khi hội nghị khai mạc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cảnh báo về tình trạng chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng lan rộng, đồng thời khẳng định “việc tự dựng lên những bức tường” không phải là giải pháp hiệu quả.
Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết các nước G20 dự kiến sẽ ra thông cáo chung khi hội nghị bế mạc, và tìm cách vận dụng mọi biện pháp chính sách - từ tiền tệ, tài chính cho tới cải cách cơ cấu - để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cho biết sẽ kêu gọi thúc đẩy "tăng trưởng toàn diện" với các nỗ lực giảm thiểu áp lực từ sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp địa phương để lợi ích từ hội nhập kinh tế toàn cầu gần gũi hơn với hàng triệu người đang bị bỏ lại phía sau khi các thay đổi đang diễn ra nhanh chóng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Chúng tôi hiểu rằng nhiều công dân đang cảm thấy thất vọng trước tốc độ toàn cầu hóa và cho rằng họ không hề nhận được bất kỳ lợi ích nào từ thương mại toàn cầu... Tất cả chúng ta cần phải cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thương mại tự do và xây dựng một nền kinh tế công bằng, đem lại lợi ích cho mọi cá nhân".
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước G20 hiện thực hóa các tuyên bố của mình. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải biến G20 thành một nhóm hành động thực tế, thay vì chỉ là một diễn đàn để thảo luận”.
G20 quy tụ các nền kinh tế chiếm tới 85% GDP và 2/3 dân số thế giới.
TTXVN