Học sinh vùng lũ ngày tựu trường - Gần hóa xa

Thứ Năm, 4/9/2008, 23:12 (GMT+7)
(TT&VH Online) - Chỉ vài ngày nữa thôi, gần 177.000 học sinh phổ thông, mầm non của tỉnh Yên Bái sẽ bước vào năm học mới 2008 - 2009.

Trong đó có trên 37.000 cháu trẻ mẫu giáo, hơn 140.000 học sinh phổ thông, nhưng những ngày này các em học sinh vùng lũ huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái vẫn chưa thể ổn định được do những mất mát đau thương mà cơn "đại hồng thuỷ" gây ra đối với các em và nhiều gia đình trong làng, bản.

Cháu Bàn Văn Đông con bác Bàn Văn Chin thôn 9 xã Lâm Giang huyện Văn Yên (Yên Bái) đang tìm mua lại sách giao khoa bị mất do lũ quét để có đủ SGK bước vào năm học mới.

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái, trong cơn bão số 4 vừa qua, thiệt hại toàn ngành lên tới 8.650 tỷ đồng. Trong đó, có 64 trường bị ngập lụt, hư hỏng về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học. Gần 400 gia đình giáo viên bị ngập hoặc trôi một phần tài sản... Điều đau xót nhất là đã có 5 em học sinh hai huyện Yên Bình và Lục Yên mãi mãi không bao giờ còn có cơ hội đến trường dự ngày khai giảng năm học mới.

Cơn lũ đi qua, nỗi đau còn đó

Cơn lũ quét đêm 9/8 vĩnh viến cướp đi mạng sống của 3 em nhỏ huyện Yên Bình là Trần Văn Chung xã Vĩnh Kiên, Vũ Bình Minh xã Bạch Hà và Hoàng Thị Dung xã Yên Thành. Chắc chắn rằng chỗ ngồi của các em năm học mới 2008-2009 sẽ để bỏ trống mà các bạn cùng lớp sẽ ngậm ngùi thương tiếc.

Về các địa phương thăm hỏi nhân dân vùng lũ những ngày này chúng tôi được biết: Trước lũ, dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn những nhiều gia đình đã mua sắm đủ sách vở, bút mực và cả quần áo để con em đón năm học mới. Nhưng sau lũ, đã có hàng trăm em học sinh rơi vào tình cảnh bị mất nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, thậm chí mất cả người thân, ngày tựu trường đã trở nên khá xa. Nhiều bậc phụ huynh đang dồn sức ổn định nơi ở, kiếm lương thực, lo cho thửa ruộng, đàn gà, ao cá... Tại thành phố Yên Bái, nhiều điểm trường vẫn đang ngập trong bùn đất và trường THPT Lý Thường Kiệt là một ví dụ. Sau khi nước rút hàng nghìn m3 bùn đất dày tới nửa mét đóng cứng trên nền sân trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hưng - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trấn Yên bày tỏ sự lo lắng: “Mặc dù đợt lũ vừa qua Trấn Yên không có ngôi trường nào bị hư hại, nhưng theo thống kê ban đầu, toàn huyện có 345 gia đình giáo viên bị ngập, gần 600 gia đình học sinh bị mất toàn bộ hoặc một phần tài sản, trong số đó có những gia đình học sinh nhà rất nghèo, hiện không có sách, vở, bút mực, quần áo cho năm học mới.

Hiện tại, tất cả các nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cho lễ khai giảng năm học mới nhưng với tình hình như hiện nay chắc chắn nhiều học sinh sẽ vắng mặt trong ngày khai giảng”. Chợ thị trấn Cổ Phúc huyện Trấn Yên vào thời điểm này mọi năm, hàng quần áo, giầy dép rất đông khách, nhưng năm nay thì khác hẳn, cảnh tượng khá vắng lặng, có lẽ tiền chỉ để các bậc phụ huynh dành mua những nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Mấy cửa hàng sách giáo khoa lác đác người mua. Chị Nguyễn Thị Lý xã Việt Thành huyện Trấn Yên có đứa con lớn năm nay vào lớp 4, chị mua vẻn vẹn có 5 cuốn vở ô ly. Chắc chắn với một học sinh lớp 4 số vở ấy là không đủ nhưng hẳn lúc này chị chỉ có thể lo được vậy. Mấy phụ huynh khác người mua vở, người mua bút nhưng không thấy có ai mua sách giáo khoa hay cặp đựng sách.

Nhiều gia đình ở thành phố Yên Bái phải đi tìm mua lại SGK cho con em mình trước thềm năm học mới

Rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội

Để tìm hiểu về công tác chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi đã tìm về xã Lâm Giang huyện Văn Yên, một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão số 4. Sau hai tuần cơn lũ đi qua nhưng trên suốt chặng đường đến Lâm Giang vẫn còn rất nhiều đoạn đường bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn. Trái hẳn những gì của Lâm Giang trước đây, tất cả như một bãi chiến trường ngổn ngang, đường sá bị sạt lở, nhà cửa tan hoang, hoa màu bị vùi lấp trong bùn đất. Chủ tịch UBND xã Lâm Giang ông Vũ Mạnh Hải cho biết: "Trong trận lũ vừa qua, Lâm Giang là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Có 5 người chết, 3 người mất tích, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị vùi lấp trong đất đá. Tuy thiệt hại về giáo dục không đáng kể nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn, khoảng 20 tỷ đồng.

Từ những khó khăn đó nên việc chuẩn bị cho con em mình một năm học mới được trọn vẹn là một điều gần như quá sức của không ít gia đình". Tiếp xúc với anh Hoàng Văn Chấn dân tộc Dao ở thôn 9 xã Lâm Giang, anh cho biết: “Gia đình tôi bị sập nhà, trôi hết tài sản, không thể mua được cặp sách cho con đi học, không có cặp thì cho sách vào túi bóng cũng được, riêng sách giáo khoa, trước mắt cứ học chay, có thể Nhà nước sẽ hỗ trợ hoặc sẽ kiếm lại của các anh chị đã học từ khoá trước”.

Ô tô vận chuyển SGK bổ sung về các huyện vùng lũ giúp học sinh có đủ SGK để vào năm học mới

Có tiền để mua sách đã là may, nhiều gia đình hiện tại không thể có tiền để lo cho con đi học mặc dù ngày khai giảng đã đến rất gần. Bác Bàn Văn Chin dân tộc Dao người cùng xã cho biết thêm: "Đợt lũ vừa qua, nhà bác chẳng còn thứ gì, nhà cũng bị nước cuốn đi, bây giờ 5 nhân khẩu trong gia đình phải nhờ bà con dân bản cho mượn đất dựng nhà tạm để ổn định cuộc sống, riêng tiền mua sách bút cho con trai út là Bàn Văn Đông năm nay lên lớp 4 thì chưa có, chỉ mong các cấp, các ngành giúp để các cháu không lỡ chuyện học hành”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Ở một vài điểm trường khu vực xã Tân Hợp, Hoàng Thắng và một phân hiệu ở thôn Khe Ròng xã An Bình huyện Văn Yên bị sạt đất, lún nền, huyện đang tiến hành khắc phục. Thêm một khó khăn nữa cho năm học 2008- 2009 là số giáo viên cho bậc THCS thiếu khoảng 100 giáo viên trong khi số giáo viên bậc tiểu học lại thừa 30 giáo viên. Để cân đối số giáo viên thừa và thiếu này, Phòng giáo dục huyện Văn Yên đã đưa một số giáo viên bậc tiểu học có trình độ cao đẳng đi bồi dưỡng nghiệp vụ làm nguồn kế cận, đồng thời xin thêm biên chế. Song đứng trước khó khăn như hiện nay, nguồn kinh phí vừa phải để đầu tư sửa chữa hệ thống trường lớp, mua tài liệu giảng dạy lại thêm việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên thì quả là một điều khó khăn lớn cho ngành giáo dục Văn Yên.

Cho đến thời điểm này, các trường học trong tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Nỗi lo học sinh không có mặt trong ngay tập trung không còn nữa, nhưng nguy cơ về hiện tượng học sinh bỏ học sau lũ là điều toàn ngành giáo dục Yên Bái đang lo ngại, bởi việc đói ăn trong nhiều tháng sẽ tới dẫn tới hậu quả học sinh không thể tiếp tục đến trường. Đứng trước thực tế trên, ngay khi cơn lũ đi qua, các tổ chức công đoàn của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã tới các đơn vị trường học có ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra kịp thời, thăm hỏi động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về người và của. Mỗi gia đình giáo viên bị thiệt hại được hỗ trợ 500.000 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường, chính quyền địa phương tìm mọi biện pháp khắc phục, huy động nguồn lực tại chỗ khắc phục hậu quả của cơn bão. UBND tỉnh Yên Bái đã kịp thời hỗ trợ ngành giáo dục gần 1,1 tỷ đồng để mua thiết bị dạy và học và sách giáo khoa bổ sung cho các trường vùng lũ, đảm bảo không có học sinh nào đến lớp thiếu sách vở và đồ dùng học tập. Những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do cơn bão số 4 gây ra được tỉnh cứu trợ mỗi nhân khẩu 15 kg gạo/tháng, trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho tỉnh trợ cấp tiếp gạo cho học sinh vùng lũ để các em vẫn có thể được cắp sách tới trường.


Nguyễn Viết Tôn
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến