(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hà Nội đang từng bước số hóa toàn bộ sổ hộ tịch với dữ liệu của hơn 7,6 triệu người dân trên địa bàn. Trong đó, đã có 3 quận đã thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, gồm quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Long Biên.
Tại các quận này, khi công dân có nhu cầu tra cứu thông tin hộ tịch chỉ cần khai thông tin về họ tên, năm sinh là công chức tư pháp - hộ tịch có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch một cách nhanh chóng, thuận tiện. 27 quận, huyện, thị xã còn lại trên địa bàn thành phố đang rà soát các loại sổ hộ tịch hiện hành để chuẩn bị số hóa dữ liệu hộ tịch cho người dân.
Cùng với việc số hóa dữ liệu hộ tịch, thành phố Hà Nội cũng đang triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, giúp người dân giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Hiện, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh, thi hành đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Qua đó, các cơ quan quản lý theo dõi được toàn bộ quá trình, tiến độ công việc của các cơ quan trực tiếp thực hiện; đồng thời có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.
Riêng 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại địa chỉ https://egov.hanoi.gov.vn/dich-vu-truc-tuyen với tổng số hơn 260.000 hồ sơ hộ tịch đã giải quyết, bao gồm: 90.000 hồ sơ khai sinh, 25.000 hồ sơ khai tử, 30.000 hồ sơ kết hôn, 70.000 hồ sơ xác nhận tình trạng hôn nhân, 50.000 hồ sơ trích lục hộ tịch. Từ ngày 1/8/2018, Hà Nội còn triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại 17 quận, huyện. Theo đó, công dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng internet và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ cung cấp, không phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Tuy nhiên, quá trình triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cũng có những bất cập như: Việc lấy mã số định danh cho trẻ, nhiều khi không có kết nối giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an dẫn đến việc lấy mã số định danh cá nhân cho trẻ không được thực hiện ngay nên không có kết quả khai sinh trả ngay cho công dân. Đối với việc thay đổi thông tin về cha mẹ trẻ khi trẻ được cho làm con nuôi, việc khai sinh của trẻ đã thực hiện trước đó trên phần mềm, nhưng khi cha mẹ nuôi yêu cầu thay đổi thông tin về cha mẹ trẻ thì lại không thay đổi được trên phần mềm. Với những trường hợp đó, công chức làm công tác hộ tịch vẫn phải làm thủ tục thay đổi thông tin về cha mẹ trẻ, dẫn đến việc thông tin của trẻ được quản lý trên phần mềm và thông tin trẻ sử dụng sau này không đồng nhất…
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất xoay quanh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập của Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Đồng thời, thành phố cũng tập trung chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện làm việc đáp ứng nhiệm vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Quá trình thực hiện, thành phố Hà Nội còn chủ động kiểm tra tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về hộ tịch, từ đó có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, trao đổi, rút kinh nghiệm, hạn chế sai sót trong quá trình giải quyết hồ sơ, từng bước nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch.
TTXVN/Kim Anh
Một xã hội số hóa có thể sẽ giải quyết được rất nhiều những vấn đề, từ những tranh cãi không đáng có tới việc mang lại những tiện ích có thể tạo nên những cuộc cách mạng có thành quả mỹ mãn.