(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 14/5, tại buổi Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Trần Thanh Mẫn cho biết: Tình hình thời tiết thủy văn năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp khó lường.
Theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 5 đến tháng 10/2019 của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO (tên gọi tắt về 2 hiện tượng: El Nino là sự nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt; La Nina là lớp nước biển bề mặt lạnh đi dị thường) cho thấy, nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm và đang có xu hướng tăng dần.
Hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, tố, mưa lớn cục bộ có thể diễn ra trong các tháng giao mùa; nắng nóng kéo dài. Mưa lớn tập trung với cường độ mạnh diễn ra trong thời gian ngắn sẽ gây ngập úng tại các khu vực đô thị, vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Điều này kéo theo nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập công trình. Bão, lũ diễn biến bất thường với thời gian xuất hiện đỉnh lũ trên sông Đà, hạ lưu sông Hồng, sông Đuống vào tháng 7 hoặc tháng 8, sông Đáy vào tháng 8 hoặc tháng 9. Ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông... cũng được coi là những vấn đề cấp bách trong năm 2019.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão năm 2019. Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan và quận, huyện, thị xã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ đập trên địa bàn, nhất là rà soát quy trình tích nước và vận hành. Những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa trong mùa lũ năm 2019.
Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2019. Cụ thể, Chi cục xác định 3 trọng điểm đê, kè gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (đê tả Đuống, huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc (đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm); đê, kè Cổ Đô (đê hữu Hồng, huyện Ba Vì) và 13 điểm đê xung yếu khác trải dài trên nhiều quận huyện như: kè Khê Thượng (huyện Ba Vì), đê Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ), kè Liên Trì (huyện Đan Phượng), kè An Cảnh (huyện Thường Tín), cống trạm bơm Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), đê hữu Đuống (quận Long Biên)...
Từ đó, lực lượng chức năng xây dựng phương án hộ đê cụ thể đối với từng vị trí trong trường hợp khẩn cấp nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thêm vào đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thoát nước mùa mưa và phòng, chống ngập úng; khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, cống ngầm... nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát úng; sẵn sàng lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông hàm ếch ga thu và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập.
Trước đó, ngày 24/4, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, để chủ động đối phó, phòng tránh thiên tai có hiệu quả, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tích cực tham gia cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Đặc biệt, các cấp, ngành và địa phương cần sà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiên, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai, chủ động sửa chữa các hư hỏng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý ngay các sự cố sạt lở, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi; nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu đang bị bồi lắng, ách tắc ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước, chống úng ngập; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình phòng chống thiên tai năm 2019; có giải pháp đảm bảo an toàn đối với từng công trình cụ thể trong mùa mưa bão năm nay./.
Nhi Thảo