(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 8/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 19.523.736 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 722.952 ca tử vong.
Ngày 13/7, số ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực châu Mỹ Latinh đã cao hơn Mỹ và Canada và đứng thứ hai toàn thế giới.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 phục hồi là 12.533.535 ca trong khi vẫn còn 6.267.249 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, với hơn 65.094 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 5.095.389 ca (tăng 63.111 ca trong 24h qua) và 164.094 ca tử vong (tăng 1.290 ca), tiếp theo là Brazil với 2.967.064 ca mắc (tăng 49.502 ca) và 99.702 ca tử vong (tăng 1.058 ca). Đứng thứ 3 thế giới là Ấn Độ với 2.086.864 ca mắc (tăng 61.455) và 42.578 ca tử vong (tăng 940). Nga có 877.135 ca mắc (tăng 5.241 ca) và 14.725 ca tử vong (tăng 119 ca)...
Theo thống kê của hãng tin AFP, Mỹ Latinh và Caribe đã vượt châu Âu trở thành khu vực có nhiều ca tử vong nhất trên thế giới. Tổng số ca tử vong tại Mỹ Latinh và Caribe đã lên tới 213.120 trường hợp (chiếm khoảng 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu), cao hơn châu Âu 460 ca. Brazil là quốc gia chịu tổn thất lớn nhất về nhân mạng tại Mỹ Latinh, đứng thứ hai là Mexico với hơn 50.000 ca tử vong.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne khẳng định tổ chức này sẽ hỗ trợ các nước Mỹ Latinh và Caribe tham gia COVAX, một cơ chế tiếp cận và phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia. Hiện cơ chế này đã có 78 nước trên thế giới bày tỏ mong muốn tham gia.
Bà Etienne cho biết cơ chế COVAX sẽ cho phép các quốc gia được đảm bảo giá tốt hơn và ít rủi ro hơn trong việc tiếp cận các nguồn vaccine ngừa COVID-19.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều phối cơ chế tiếp cận các công cụ chống dịch COVID-19 - một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy phát triển, sản xuất và đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận xét nghiệm, liệu pháp điều trị và vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, hợp phần vaccine COVAX do WHO hợp tác với Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thực hiện, nhằm tối đa hoá quá trình phát triển cũng như tiếp cận và phân bổ công bằng vaccine cho các quốc gia. Theo sáng kiến này, các nước thu nhập cao và trung bình cao sẽ tiếp cận vaccine thông qua mua sắm tập trung dùng nguồn tài chính viện trợ. Trong khi đó, các nước thu nhập trung bình thấp và thấp sẽ được hỗ trợ tài chính để mua vaccine.
Trong ngày 7/8, Chính phủ Brazil thông báo Tổng thống Jair Bolsonaro đã ký sắc lệnh giải ngân 2 tỷ real (gần 400 triệu USD) cho việc phối hợp phát triển và sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Trong tổng số tiền trên, khoảng 1,3 tỷ real (237 triệu USD) sẽ được đầu tư cho phòng thí nghiệm AstraZeneca của Anh. Phần còn lại đầu tư cho Viện Fiocruz, một trung tâm nghiên cứu của Brazil đang hợp tác với Đại học Oxford trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nếu các thử nghiệm thành công. Tổng thống Bolsonaro hy vọng có thể đưa ra thị trường vacccine ngừa căn bệnh nguy hiểm này vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Tại Nga, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 7/8 cho biết nước này sẽ mở rộng triển khai việc xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các sân bay lớn khác ở thủ đô Moskva sau khi áp dụng điều này tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô và là sân bay sầm uất nhất nước Nga.
Theo RDIF, hệ thống xét nghiệm cầm tay sẽ cho kết quả trong vòng một giờ và hiện đã được một số doanh nghiệp Nga sử dụng tại các sự kiện lớn. Là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn để thiết lập các sân bay không có virus SARS-CoV-2, RDIF ngày 6/8 cho biết xét nghiệm nhanh sẽ được mở rộng sang các sân bay lớn ở Moskva là sân bay Vnukovo và sân bay Domodedovo. Tất cả các hành khách đi và đến sẽ đều phải xét nghiệm. Dịch vụ này sẽ được triển khai tại các sân bay trong vòng một tuần.
Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho Philippines, hoặc liên kết với một doanh nghiệp địa phương để sản xuất đại trà.
Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev khẳng định Moskva đã sẵn sàng cung cấp vaccine cho Philippines trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ngừng tăng. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể đầu tư và hợp tác với một đối tác của Philippines để sản xuất vaccine. Hiện Moskva vẫn đang đợi phản hồi từ phía Bộ Ngoại giao Philippines. Dự kiến, trong tháng này, Nga sẽ cấp phép lưu hành vaccine tiềm năng đầu tiên, do nước này sản xuất, và các nhân viên y tế ở tuyến đầu là đối tượng đầu tiên được tiêm phòng.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn rất căng thẳng, theo hãng tin Reuters của Anh, Bộ Y tế Đức và Pháp đã lên tiếng xác nhận rằng họ phản đối vai trò dẫn dắt của Washington trong các cuộc đàm phán do Mỹ đã rút khỏi WHO.
Vào đầu tháng 7, Mỹ đã chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc rút khỏi WHO từ ngày 6/7/2021, Washington đã cáo buộc tổ chức này ủng hộ Bắc Kinh và có những sai lầm trong đối phó đại dịch COVID-19. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về cải cách cơ quan y tế này đã bắt đầu cách đây 4 tháng, các quốc gia thành viên G7 đã tổ chức khoảng 20 hội nghị truyền hình và một số cuộc họp cấp quan chức ngoại giao về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là hy vọng đạt được sự đồng thuận về việc cải tổ WHO trong hội nghị thượng đỉnh G7, nhưng vẫn chưa rõ liệu cuộc họp, dự kiến vào tháng 9, có diễn ra như kế hoạch hay không.
Thanh Bình/TTXVN