(Thethaovanhoa.vn) - Có một sự thật là tất cả mọi người đến Cuba đều có nguyện vọng được gặp Fidel bằng bất cứ cách nào, và rất nhiều người mong muốn được gặp riêng ông. Đặc biệt là các nhà báo nước ngoài, thường không bao giờ coi chuyến làm việc ở Cuba là kết thúc khi còn chưa có được “chiến lợi phẩm” là một cuộc phỏng vấn Fidel Castro.
Lúc nào cũng có một nhà báo đang nằm chờ ngoài khách sạn tại La Habana, sau khi đã viện đến mọi mối quan hệ để có thể tiếp cận được Fidel.
Ai cũng muốn được gặp Fidel
Tôi nghĩ rằng ông muốn làm vừa lòng tất cả nếu không bị cản trở bởi thực tế này: thường thì lúc nào cũng có khoảng 300 lời đề nghị chính thức xin phỏng vấn Fidel đang chờ các thủ tục có thể là vô tận.
Có những người chờ đợi hàng mấy tháng. Nhiều người bực bội vì không biết tìm đến đầu mối nào, bởi chẳng ai biết đích xác là phải làm những thủ tục gì để có thể tới được chỗ Fidel. Sự thực là không có quy định cụ thể nào. Cũng không phải là chuyện lạ nếu một nhà báo nào đó bỗng có may mắn tình cờ chớp được cơ hội nêu một câu hỏi bất kỳ với Fidel tại một hoạt động nào đó, và rồi cuộc đối thoại biến thành một cuộc phỏng vấn vài ba tiếng đồng hồ liên quan tới tất cả mọi đề tài có thể có.
Fidel có thể dừng lại trước bất cứ vấn đề gì, đi vào những khía cạnh gai góc nhất mà người đối thoại không ngờ tới, và không bao giờ xao lãng tính chính xác, vì ông hiểu rằng chỉ cần một từ dùng không đúng sẽ có thể gây hậu quả khôn lường.
Trong số ít những cuộc phỏng vấn chính thức, Fidel thường đáp ứng đúng theo thời gian mà nhà báo yêu cầu, nhưng rồi chính ông sau đó lại có thể kéo dài với một độ co giãn không định trước, tùy vào sự năng động của cuộc nói chuyện. Chỉ trong những trường hợp thật đặc biệt ông mới yêu cầu cho xem trước các câu hỏi.
Fidel không bao giờ từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào, dù rằng nó có tính chất khiêu khích đi chăng nữa, và ông cũng không bao giờ mất bình tĩnh hay thiếu kiên nhẫn. Đôi khi hai giờ dự kiến biến thành bốn giờ hay có khi sáu giờ. Cũng có khi kéo dài tới mười bảy giờ như trường hợp cuộc phỏng vấn của Gianni Miná cho truyền hình Italy.
Cho tới thời điểm hiện nay, đây là một trong những cuộc phỏng vấn dài nhất, đầy đủ nhất (bài này Marquez viết từ 1988, rất lâu trước khi có cuộc phỏng vấn một trăm giờ với Fidel của Ignacio Ramonet- in sách năm 2006-ND).
Cuối cùng thì không có nhiều cuộc phỏng vấn làm ông thích thú, bởi vìsự hạn chế của không gian trang báo hay do thời lượng của chương trình nên phải cắt xén làm ảnh hưởng đến tính chính xác và không còn giữ được những nét đặc trưng trong phong cách của ông. Nhất là các cuộc phỏng vấn truyền hình thường bị lồng ghép và sắp đặt một cách chủ quanlàm mất đi sự gắn kết vốn dĩ phải có, đôi khi ông cảm thấy thật là bất công khi đã bỏ ra tới năm giờ đồng hồ trong cuộc đời của mình cho một chương trình lên sóng chỉ có bảy phút.
“Tôi chỉ thích được đứng một mình dưới góc phố kia”
Sau khi đã nghe Fidel Castro nói trong rất nhiều trường hợp khác nhau người ta nhận thấy ông hoàn toàn khác khi nói chuyện với quần chúng nhân dân ngoài đường phố. Lúc đó câu chuyện trở nên sống động và tràn đầy tình cảm tự nhiên.
Người ta không gọi ông với tên họ đầy đủ kèm theo các chức danh dân sự hay cấp hàm nhà binh, mà chỉ gọi tên không: Fidel. Người ta vây quanh ông, thảo luận, phản biện với ông, hò hét, reo vui cùng ông, trong một kênh truyền tải thông tin và sự thật trần trụi. Chính vào những lúc như thế, người ta phát hiện một con người khác thường mà hào quang của hình ảnh được tạo dựng đã không để cho ta nhìn thấy. Đó chính là Fidel Castro mà tôi tin rằng mình quen biết.
Ông là một con người giản dị, khiêm tốn, không ngừng ước mơ và luôn luôn có những ý tưởng phi thường. Fidel mong muốn một ngày kia các nhà khoa học Cuba sẽ tìm ra phương thuốc chữa căn bệnh ung thư quái ác, ông tạo dựng chính sách ngoại giao của một cường quốc trên hòn đảo nhỏ bé chỉ bằng một phần tám mươi của người láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Fidel luôn có niềm tin kỳ lạ vào sự rèn luyện ý thức, coi trọng khuyến khích tinh thần, ông tin rằng con người được giáo dục tốt về lý tưởng chính là động lực cải tạo thế giới, thúc đẩy lịch sử tiến lên. Fidel Castro có lẽ là một trong những người lý tưởng hóa vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, đó là điểm mạnh nhất và có lẽ cũng là cáigót chân A-sin (Achilles) dễ bị tổn thương nhất đối với ông.
Nhiều lần, tôi đã nhìn thấy ông trong bộ dạng mệt mỏi đến gõ cửa nhà tôi vào lúc đêm khuya, sau một ngày làm việc bất kể giờ giấc. Có lần ông thản nhiên mở cửa tủ lạnh, chọn một miếng phô-mai nhai ngon lành, rồi ngồi xuống cạnh bàn ăn ghi chép điều gì đó, trong khi cô ca sĩ trên Tivi đang hát một bài ca cổ điển: cuộc đời là một con tàu tốc hành đang lao đi trên đường thiên lý.
Tôi từng nghe Fidel nói về những năm tháng xa xưa, nhắc đến những buổi bình minh của tuổi ấu thơ trên đồng cỏ và hình ảnh cô bạn gái của thời niên thiếu đã lùi xa, cho đến biết bao việc có thể làm tốt hơn trong đời hoạt động của mình. Tôi từng nhìn thấy ông yên lặng trầm tư như đang suy nghĩ mông lung điều gì đó, khi ấy tôi hỏi Fidel: Anh thích làm gì nhất trên cõi đời này? và ông đã trả lời ngay tức khắc: “Tôi chỉ thích được đứng một mình dưới góc phố kia”.
Ông vốn là một người cực kỳ ham đọc sách, và có lẽ đó là một phương diện trong tính cách của Fidel Castro khác xa với hình ảnh mà các đối thủ của ông tạo ra.
G.G Marquez
(Phạm Đình Lợi biên dịch)