(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) đang điều tra liệu có vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nào trong số 3 loại đã được khối này phê duyệt đến nay liên quan tới chứng suy giảm đông máu có thể gây xuất huyết nội.
Ngày 12/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng không có lý do để dừng sử dụng vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh). WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi một số nước châu Âu dừng tiêm vaccine của hãng này do lo ngại việc gây đông máu.
Thông báo ngày 12/3 của EMA nêu rõ một số trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu tiểu cầu trong máu có thể dẫn đến xuất huyết và bầm da, đã được báo cáo theo quy trình giám sát an toàn vaccine của cơ quan này.
EMA nhấn mạnh: "Hiện vẫn chưa rõ liệu có sự liên quan giữa vaccine với những báo cáo về giảm tiểu cầu miễn dịch hay không". Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu cho biết sẽ đánh giá các báo cáo tình hình ở những người đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna.
Chương trình tiêm chủng của châu Âu gặp trục trặc trong 2 tuần qua, trong bối cảnh có những báo cáo cho thấy một số trường hợp được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca bị chứng rối loạn đông máu. EMA cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy các sự cố này là do việc tiêm vaccine gây ra, quan điểm này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tái khẳng định trong ngày 12/3. Trong khi đó, công ty AstraZeneca cũng cho biết không tìm thấy bằng chứng nào về việc gia tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất giải ngân 12 triệu euro từ Quỹ đoàn kết châu Âu để giúp Serbia trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Trang tin Euractiv.rs của Serbia ngày 12/3 dẫn thông báo của phái đoàn EU tại Serbia cho biết số tiền trên sẽ tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, giám sát và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cũng như mua sắm các thiết bị y tế và bảo hộ cá nhân. Số tiền này cũng sẽ giúp trang trải các chi phí mà Serbia phải gánh chịu trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Theo người đứng đầu Phái đoàn EU tại Serbia Sem Fabrizi, EU đã hỗ trợ Serbia số tiền quyên góp lên tới 17 triệu euro (gần 20,3 triệu USD), kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Ông Fabrizi nêu rõ: “Tín hiệu chính trị mạnh mẽ này cho thấy Serbia - một ứng cử viên gia nhập EU - cũng được coi trọng như các nước thành viên của liên minh”.
Mạnh Hùng - Công Thuận/TTXVN