(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, Đức và các nước công nghiệp giàu có cần phải phân bổ lượng vaccine đã đặt mua cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ gửi một khoản tiền trị giá khoảng 4 tỷ USD cho Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) để hỗ trợ cho sáng kiến hợp tác vaccine toàn cầu COVAX nhằm tăng tốc phát triển và phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp.
Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết trong phát biểu của mình, bà Merkel đã nhấn mạnh đến yếu tố công bằng trong phân phối vaccine với niềm tin rằng thế giới chỉ có thể chiến thắng đại dịch COVID-19 khi tất cả mọi người đều được tiêm chủng.
Cũng theo nhà lãnh đạo Đức, hiện các nước G7 chưa thảo luận về tỷ lệ phân bổ vaccine của từng nước thành viên cho các nước nghèo nhưng Đức sẽ hỗ trợ bổ sung 1,5 tỷ euro để giúp các nước nghèo tiếp cận với vaccine phòng COVID-19 thông qua cơ chế COVAX và Chương trình hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT-A). Với khoản tài chính bổ sung này, Đức hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 với tổng số tiền cam kết lên tới 2,2 tỷ euro.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đã công bố viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chương trình COVAX toàn cầu, với 3,3 tỷ euro từ Washington và 1 tỷ euro từ EU, gấp đôi mức cam kết đưa ra trước đó. Trong khi đó, sáng kiến ACT-A nhận được tổng mức cam kết 10,3 tỷ USD, với 7,5 tỷ USD trong số này đến từ các nước G7.
Theo thống kê của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), đến nay các nước giàu đã có được 2/3 tổng lượng vaccine toàn cầu dù các nước này chỉ chiếm 16% dân số thế giới. Đại dịch COVID-19 không chỉ gây tác động đến mọi mặt đời sống của các nước mà còn cho thấy các nước đang phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau và cần có sự hợp tác toàn cầu, cách tiếp cận đa phương toàn cầu cho những cuộc khủng hoảng mang quy mô toàn cầu.
Mạnh Hùng/TTXVN