'Điểm mặt anh tài' trong cuộc chiến chống IS

Thứ Bảy, 5/12/2015, 5:51 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Quốc hội Anh thông qua việc cho phép quân đội nước này tham gia chiến dịch không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, số người chơi góp mặt vào cuộc chiến chống IS đã trở nên đông đúc hơn.

Trong bối cảnh rối rắm của cuộc khủng hoảng diễn ra tại Syria, những người quan tâm hẳn sẽ muốn biết có những lực lượng nào đang tác động tới tình hình ở quốc gia này và cuộc chiến chống IS nói chung. Dưới đây là thống kê cụ thể, do hãng tin AFP thực hiện

1. Quân đội Syria

Quân đội Syria có quân số 178.000 lính vào năm 2015, theo thống kê của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Quân đội Syria gần như đã giảm một nửa sức mạnh so với thời kỳ trước chiến tranh, hình thành từ việc có nhiều người bị thương vong, do tình trạng đào ngũ và trốn nghĩa vụ.

Trong cuộc chiến chống những kẻ cực đoan và phiến quân đang hoành hành, quân đội Syria phải dựa vào lực lượng dân quân, với số lượng thành viên từ 150.000 - 200.000 người.

2. Quân đội Iraq

Lực lượng này có 177.600 người, theo thống kê của IISS. Sau khi đưa quân vào Iraq hồi năm 2003, Mỹ đã giải tán quân đội nước này, vốn từng lên tới 450.000 người. Sau đó Mỹ xây dựng một lực lượng mới, đã hoàn toàn sụp đổ vào tháng 6/2014, trước áp lực của IS.

Washington và các đồng minh đã phải tìm cách huấn luyện quân đội Iraq và tái cấu trúc lực lượng này. Từ tháng 9 năm nay, Baghdad đã có trong tay các máy bay chiến đấu F-16 để yểm trợ hoạt động chống IS. Tuy nhiên trên mặt đất, Iraq vẫn phải dựa nhiều vào các chiến binh Shiite, nổi tiếng nhất là đơn vị Hashed al-Shaabi và những đơn vị khác của các bộ tộc Hồi giáo Sunni ở Iraq.


Phi công điều khiển máy bay Tornado của Anh chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ không kích mục tiêu của IS ở Syria

3. Quân đội người Kurd và các phiến quân Syria

Người Kurd đã tích cực chống IS và bảo vệ vùng lãnh thổ của mình. Họ được ủng hộ bởi các cuộc không kích từ một liên minh do Mỹ lãnh đạo. Hiện Đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) chống IS ở Syria, trong khi lực lượng Peshmega chống IS ở Iraq.

Ở Syria, sau thất bại của kế hoạch huấn luyện các phiến quân ôn hòa, Washington đã chuyển sang ủng hộ một liên minh gồm các chiến binh người Kurd và các nhóm phiến quân, có tên Quân đội dân chủ Syria (SDF). Đây là một liên minh giữa nhóm YPG hùng mạnh và các nhóm phiến quân ở Syria.

4. Các lực lượng nước ngoài

Liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở Iraq kể từ tháng 9/2014, theo yêu cầu của chính quyền Baghdad và tại Syria. Tuy nhiên ở Syria, liên quân từ chối hợp tác với chính quyền Damascus.

Liên quân có sự tham gia của khoảng 60 nước, gồm Anh, Pháp, các láng giềng Arab của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ tháng 9 năm nay đã có thêm Tunisia, Malaysia và Nigeria gia nhập liên quân.

Liên quân bác bỏ việc đưa lính chiến tới tiêu diệt IS trên mặt đất. Tuy nhiên họ lại cử người huấn luyện binh lính Iraq chiến đấu.

Đức sẽ triển khai khinh hạm, máy bay trinh sát Tornado và 1.200 quân chống IS tại Syria

Đức sẽ triển khai khinh hạm, máy bay trinh sát Tornado và 1.200 quân chống IS tại Syria

Đức sẽ triển khai tối đa 1.200 binh sĩ cùng 6 máy bay trinh sát Tornado, một máy bay tiếp liệu, một khinh hạm làm nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp ở Địa Trung Hải để tham gia chống IS tại Syria.


Trong liên quân, chưa đầy một chục quốc gia tham gia tiến hành không kích. Trong năm ngoái, họ đã thực hiện tổng cộng 8.300 vụ không kích và Mỹ chiếm 80% trong số đó.

5 quốc gia gồm Mỹ, Pháp, Canada, Australia và Jordan đều đã thực hiện các nhiệm vụ không kích ở cả Syria và Iraq. Anh sẽ là nước thứ 6 tham gia nhóm này.

Một số quốc gia thực hiện không kích ở Syria, nhưng không ở Iraq, bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước chỉ ném bom Iraq, nhưng không động tới Syria gồm có Đan Mạch và Hà Lan.

Washington hiện đã điều tàu sân bay USS Harry S. Truman tới Địa Trung Hải, cùng 3.500 người lính tới Iraq. Mỹ cũng sẽ đưa thêm 200 lính đặc nhiệm nữa tới cả Iraq và Syria.

5.Quân đội Pháp

Chính quyền Paris đã tăng cường hoạt động không kích ở Syria sau các vụ tấn công khủng bố Paris diễn ra vào ngày 13/11 vừa qua. IS đã tuyên bố có trách nhiệm trong vụ đó. Pháp huy động tổng cộng 3.500 người lính tham gia chiến dịch không kích và còn triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle tới phía Đông Địa Trung Hải, qua đó tăng gấp 3 lần khả năng không kích của nước này.

6.Quân đội Nga

Là đồng minh chủ chốt của chính quyền Syria, Moskva bắt đầu tiến hành không kích tại đất nước này từ ngày 30/9, sau khi đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong suốt mùa Hè. Hạm đội Nga ở biển Caspian cũng bắn nhiều quả tên lửa hành trình vào các mục tiêu của IS.

Moskva đang kêu gọi thành lập "liên minh chống khủng bố cỡ lớn" và đã gửi 2.000 binh lính tới Syria. Chính quyền Nga cũng tăng cường hoạt động tấn công những kẻ cực đoan sau các vụ khủng bố diễn ra hôm 13/11 ở Paris và vụ bắn hạ một máy bay chở khách của Nga trên sa mạc Sinai.

7.Quân đội Iran

Những người Hồi giáo Shiite cầm quyền ở Iran ủng hộ chế độ Damascus và đã gửi lính đặc nhiệm thuộc lực lượng Vệ tinh cách mạng tới Syria. Tổng cộng, đã có khoảng 7.000 người lính Iran ở Syria và Iraq.

8. Lực lượng Hezbollah

Lực lượng Hezbollah hùng mạnh đã điều từ 5.000 - 8.000 chiến binh tới Syria, nơi họ chiến đấu cùng với quân đội chính quyền.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến