Dịch COVID-19: Trung Quốc số người chết từ đầu dịch hiện là 2.112 ca

Thứ Năm, 20/2/2020, 7:11 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận trường hợp nhiễm nCoV không rõ nguồn lây bệnh. Trung Quốc số người chết từ đầu dịch hiện là 2.112 ca.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: 108 ca tử vong tại Hồ Bắc trong ngày 19/2

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: 108 ca tử vong tại Hồ Bắc trong ngày 19/2

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc ngày 20/2 thông báo số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại tỉnh này trong ngày 19/2 là 108 ca, giảm so với con số 132 ca của ngày 18/2.

(Tiếp tục cập nhật)

Theo Tân Hoa Xã, ngày 19/2, Cơ quan Giám sát dịch bệnh Đài Loan (Trung Quốc) đã xác nhận thêm một trường hợp nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV), qua đó nâng tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở hòn đảo này lên 24 trường hợp.

Thông cáo báo chí của cơ quan trên cho biết, bệnh nhân là một người phụ nữ trong độ tuổi 60 ở phía Bắc Đài Loan, không rời khỏi hòn đảo này trong 2 năm qua và nhà chức trách đang điều tra nguồn gốc lây nhiễm. Bệnh nhân đã có các triệu chứng sốt và ho vào ngày 22/1, sau đó được đưa vào bệnh viện và được chẩn đoán viêm phổi hôm 30/1 trước khi được chuyển đến bộ phận chăm sóc đặc biệt vào ngày 10/2. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 19/2. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng theo thông cáo, tổng cộng 360 người - bao gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè, các nhân viên của phòng khám và bệnh viện mà người phụ nữ trên đã đến - được xác nhận đã tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất diễn biến dịch COVID-19 tại Trung Quốc đại lục sáng 20/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo số trường hợp tử vong do dịch bệnh tại tỉnh này trong ngày 19/2 là 108 ca, giảm so với con số 132 ca của ngày 18/2. Như vậy, tổng số trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục từ đầu dịch hiện là 2.112 ca. Đa số các trường hợp tử vong mới đều tại thủ phủ Vũ Hán (Wuhan).  

Cũng theo thông báo, có 349 ca nhiễm mới tại tỉnh Hồ Bắc trong ngày 19/2, giảm mạnh so với con số 1.693 ca nhiễm mới của một ngày trước đó. Tổng số người nhiễm COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc là 62.031 người. Tại Trung Quốc đại lục, đã có hơn 74.500 trường hợp nhiễm bệnh.

* Trung Quốc và Thái Lan ngày19/2 cam kết hợp tác trong cuộc chiến chung của hai nước chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cam kết trên được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) với người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai (Đôn Pra-mút-vi-nai) trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về dịch COVID-19, dự kiến diễn ra ngày 20/2.

Ông Vương Nghị cho biết kể từ khi bùng phát dịch, Hoàng gia, Chính phủ và xã hội Thái Lan đã chung tay giúp đỡ Trung Quốc, thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông ghi nhận: "Đặc biệt, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đăng tải một video thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho người dân vùng dịch Vũ Hán", đồng thời cho biết Trung Quốc đánh giá cao các biện pháp hợp lý và thích đáng mà Thái Lan đã áp dụng trong ứng phó với dịch bệnh theo gợi ý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ông Vương Nghị khẳng định vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến chống dịch bệnh ở Trung Quốc, hai nước ủng hộ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về COVID-19, khẳng định rằng sự kiện này chứng tỏ tình đoàn kết và quyết tâm chống dịch bệnh, vượt qua các giai đoạn khó khăn.

Về phần mình, Bộ trưởng Don Pramudwinai cho biết Thái Lan và Trung Quốc có sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chung chống dịch COVID-19. Theo ông, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt về COVID-19 là sự kiện đa phương đầu tiên về sức khỏe cộng đồng kể từ khi dịch bệnh này bùng phát.

Ông cũng đánh giá Trung Quốc đã đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời cho biết thêm các bệnh nhân ở Thái Lan cũng đang phục hồi. Nhấn mạnh rằng dịch COVID-19 là một thách thức chung của toàn khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị ngày 20/2 tới sẽ giúp củng cố tình đoàn kết và hợp tác giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, góp phần vào sự nghiệp vì sức khỏe cộng đồng của khu vực và toàn cầu.

WHO lưu ý tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn khẩn cấp

Ngày 15/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona nCoV vẫn là tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc và hiện chưa thể nói trước dịch sẽ lây lan tới đâu. 

Phát biểu tại Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, ông Tedros cho biết dù rất ấn tượng với những biện pháp mà Trung Quôc đã thực hiện trong thời gian qua để kìm hãm tốc độ lây lan dịch bệnh nhưng ông vẫn lo lắng khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Pháp vừa mới thông báo ca tử vong đầu tiên tại châu Âu vì dịch bệnh này là một phụ nữ 80 tuổi, người Trung Quốc, nhập viện điều trị trong chuyến du lịch tới quốc gia này hồi cuối tháng Một vừa qua. Ai Cập cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Phi phát hiện ca nhiễm bệnh. 

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Hội nghị Munich ở Đức, ngày 15/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong diễn biến liên quan, giới chức Malaysia ngày 15/2 xác nhận một hành khách 83 tuổi người Mỹ đến quốc gia này hôm 14/2 nhiễm virus nCoV. Đáng chú ý, đây chính là một trong số những du khách trên du thuyền Westerdam vừa mới cập cảng tại Campuchia hôm 13/2.

Thông báo của Bộ Y tế Malaysia nêu rõ kết quả xét nghiệm cho thấy chồng bệnh nhân này không nhiễm virus. Ngày 13/2, du thuyền Westerdam chở 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn, đã được phép cập cảng ở Campuchia sau khi bị từ chối cập cảng tại ít nhất 5 cảng châu Á do lo ngại nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Kể từ khi khởi hành từ đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) hôm 1/2, du thuyền Westerdam lần lượt bị từ chối cập cảng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, đảo Guam và Thái Lan vì lý do trên.

Pháp xác nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 bên ngoài châu Á

Ngày 15/2, giới chức Y tế Pháp xác nhận ca đầu tiên tử vong vì nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cũng là ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á. 

Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cho biết bệnh nhân là một du khách lớn tuổi người Trung Quốc nhập viện điều trị khi đang thực hiện chuyến du lịch tới Pháp. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu.

Trước đó, ngoài Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh thì đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và các quốc gia như Philippines và  Nhật Bản đã xác nhận những ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh nguy hiểm này.

Tính tới nay, Pháp đã ghi nhận 11 trường hợp mắc virus nCoV trên tổng số 63.851 ca trên toàn cầu. Hầu hết các ca nhiễm virus nCoV ở Trung Quốc. Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019, tính tới nay, dịch COVID-19 đã khiến khoảng 1.400 người tử vong. 

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15/2, Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận thêm 67 người nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess hiện đang được cách ly ở thành phố Yokohama của nước này, nâng tổng số ca nhiễm trên du thuyền này lên 285 người. 

Tàu Diamond Princess khởi hành từ cảng Yokohama gần thủ đô Tokyo hôm 20/1 cùng 3.711 người và quay về ngày 3/2 vừa qua. Tuy nhiên, du thuyền này được cách ly trong 2 tuần - đến ngày 19/2 tới - do lo ngại virus COVID-19 lây lan tại Nhật Bản sau khi một hành khách đã xuống tàu ở Hong Kong (Trung Quốc) được phát hiện nhiễm loại virus nguy hiểm này. Trong ngày 15/2, Bộ Y tế đã quyết định sẽ cho phép những người già trên 70 tuổi có phản ứng âm tính với nCoV, những người dưới 70 tuổi nếu không ở cùng phòng với những người đã bị nhiễm bệnh và có phản ứng âm tính với nCoV sẽ được phép rời tàu từ ngày 19/2.  

Cùng ngày, giới chức thủ đô Tokyo cũng xác nhận có thêm 8 người tại thành phố này nhiễm nCoV, trong đó 7 người đã từng tham gia buổi tiệc chung với người lái xe taxi 70 tuổi bị xác nhận nhiễm bệnh hôm 13/2. Theo tìm hiểu, buổi tiệc này có sự tham gia của hơn 100 người, do vậy không loại trừ khả năng số người bị nhiễm do tiếp xúc với tài xế taxi này sẽ còn tiếp tục tăng lên. 

Thống kê sơ bộ cho đến ngày 15/2 đã có 334 trường hợp tại Nhật Bản được xác nhận đã nhiễm nCoV.

Thái Lan ghi nhận ca nhiễm thứ 34 ​

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo giới ngày 15/2,  Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế Thái Lan, ông Suwanchai Wattanayingcharoenchai cho biết nước này đã ghi nhận một ca nhiễm mới. Bệnh nhân là một nữ nhân viên y tế Thái Lan 35 tuổi. Cô bị nhiễm bệnh do có tiếp xúc với một bệnh nhân. 

Trong số 34 người nhiễm COVID-19 (nCoV) tại Thái Lan hiện đã có 14 người bình phục và được xuất viện. Chưa có trường hợp tử vong do COVID-19 (nCoV) tại nước này.

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên chuyến phà ở Bangkok, Thái Lan, ngày 5/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

"Xứ Chùa Vàng" cũng chưa áp đặt bất kỳ lệnh cấm nào đối với khách du lịch xuất cảnh hoặc nhập cảnh vào nước này kể từ khi dịch COVID-19 (nCoV) bùng phát, song vẫn tiến hành đo thân nhiệt ở sân bay và cửa khẩu, sàng lọc hành khách trên các chuyến bay từ Trung Quốc khi đến và yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe do Trung Quốc cấp để được phép vào Thái Lan.

Mỹ đưa công dân rời du thuyền Diamond Princes

Theo tờ Wall Street Journal, Chính phủ Mỹ đang gấp rút tiến hành các công tác đưa công dân nước này rời khỏi tàu du lịch Diamond Princess, hiện đang cập cảng tại khu vực cách ly ở thành phố Yokohama của Nhật Bản. 

Ông Henry Walke (Hen-ri Oắc-cơ) - quan chức cấp cao thuộc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuê hai máy bay để đưa khoảng 380 người Mỹ và gia đình của họ trở về nước này. Chuyến bay mới nhất dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 16/2 tới. 

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Hành khách trên du thuyền Diamond Princess tại cảng Yokohama, Nhật Bản, ngày 11/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princes ngoài khơi thành phố Yokohama từ ngày 3/2 vừa qua, sau khi hơn 200 người trên tàu này cho kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona gây bệnh COVID-19 (nCoV).

Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị toàn bộ hành khách cùng thủy thủ đoàn ở lại du thuyền trong giai đoạn cách ly kéo dài 2 tuần tới ngày 19/2 nhằm tránh lây lan dịch bệnh tại nước này.

Phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên tại châu Phi

Bộ Y tế Ai Cập ngày 14/2 đã xác nhận ca dương tính đầu tiên với chủng mới của virus corona (nCoV) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng là ca COVID-19 đầu tiên ở châu Phi.

Thông cáo chung của Bộ Y tế và Bộ Dân số Ai Cập cho biết người này không có triệu chứng nhiễm bệnh và đã được đưa đi cách ly ở một bệnh viện để theo dõi và điều trị. Nhà chức trách Ai Cập đã thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về trường hợp đầu tiên này, nhưng không nêu rõ quốc tịch.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Philippines đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đã tiến hành khử trùng tất cả các máy bay, đặc biệt là các máy bay sử dụng cho chặng Indonesia-Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus. Đối với máy bay mang số hiệu GA 858 khởi hành từ Denpasar đến Thượng Hải hôm 28/1 vừa qua, trong đó một hành khách được xác định dương tính với COVID-19, Garuda đã tiến hành các biện pháp bổ sung như phun tẩy trùng tất cả các khu vực trong cabin và thay thế bộ lọc không khí bằng màng lọc HEPA nhằm ngăn virus và vi khuẩn. Cho tới nay, tất cả các máy bay của Garuda đều đã được trang bị bộ lọc HEPA.

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Nhân viên Cơ quan kiểm dịch Ai Cập kiểm tra thân nhiệt phi hành đoàn nhằm ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại sân bay quốc tế Cairo, ngày 1/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Indonesia đã chính thức tạm dừng nhập khẩu động vật sống từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nCoV. Bộ Thương mại Indonesia cho biết, lệnh cấm được áp dụng đối với ít nhất 53 loài động vật, từ bò sát và động vật có vú đến gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc quá cảnh ở nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ là tạm thời cho đến khi dịch bệnh lắng xuống.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III ngày 14/2 cho hay, các cơ quan chức năng nước này đang cân nhắc việc áp đặt lệnh cấm người dân tới Singapore nhằm đối phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, Cơ quan Nhập cảnh Philippines cho biết vẫn chưa ban bố lệnh cấm đi lại tới Singapore.

Hiện số người được xác định nhiễm nCoV tại Singapore đã lên con số 67 ca, chiếm gần 1% tổng số người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. Ít nhất 22 trường hợp dương tính với nCoV có lịch sử di chuyển tới Trung Quốc, trong khi 28 người khác có khả năng hoặc được xác định nhiễm bệnh từ các quốc gia khác.

Theo Đại sứ quán Philippines tại Singapore, ước tính có khoảng 200.000 người Philippines đang sinh sống tại "quốc đảo sư tử". Số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines cho thấy Singapore luôn là một trong những quốc gia có lượng khách du lịch đến nước này nhiều nhất với khoảng gần lượt 170.000 khách/năm trong giai đoạn 2016-2018. Trong tổng số người Philippines ở nước ngoài có khoảng 5% đang sinh sống và làm việc tại Singapore.

Nhóm hành khách đầu tiên rời du thuyền Diamond Princes

Ngày 14/2, nhóm hành khách đầu tiên có kết quả xét nghiệm âm tính với chủng mới của virus corona (nCOV) đã rời khỏi du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi bờ biển của Nhật Bản, kết thúc quá trình cách ly ngay trên con tàu này. 

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản xác nhận 11 hành khách từ 80 tuổi trở lên đã rời du thuyền Diamond Princess và được đưa tới các cơ sở y tế trên một chiếc xe buýt. Những người này sẽ phải tiếp tục ở lại đây cho tới khi hết thời hạn cách ly vào ngày 19/2.    

Hơn 200 trường hợp trên du thuyền Diamond Princess đã được chẩn đoán nhiễm nCoV kể từ khi con tàu hạng sang này tới khu vực ngoài khơi thành phố Yokohama (Y-ô-cô-ha-ma) hôm 3/2 vừa qua và phải neo đậu tại đây theo yêu cầu cách ly do những quan ngại về việc lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).

Virus Corona, Covid-19, nCoV, Viêm phổi Corona, Nhiễm nCoV, Bệch dịch corona, Vũ Hán, phòng chống corona, bệnh viêm phổi ở Vũ Hán,lây truyền,chủng virus mới
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới từ du thuyền "Diamond Princess" lên xe cứu thương tại khu vực cảng Yokohama, Nhật Bản ngày 10/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị 3.600 hành khách cùng thủy thủ đoàn ở lại du thuyền trong giai đoạn cách ly kéo dài 2 tuần tới ngày 19/2 nhằm tránh lây lan dịch bệnh tại nước này. Tuy nhiên, trước những lo ngại về việc hàng trăm hành khách cao tuổi trên tàu chịu sức ép quá lớn do phải cách ly dài ngày, nhà chức trách Nhật Bản đã quyết định cho phép những trường hợp có điều kiện sức khỏe ổn định và có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV được phép rời khỏi du thuyền và tới khu vực cách ly trên đất liền nếu những người này có nguyện vọng.      

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) Katsunobu Kato (Cát-xu-nô-bu Ca-tô) cho biết Bộ này đang nỗ lực để xác định con đường lây nhiễm nCoV sau khi có một trường hợp tử vong đầu tiên tại Nhật Bản vì nCoV.

Bộ trưởng Kato cho biết MHLW có kế hoạch cử các chuyên gia từ Viện các bệnh truyền nhiễm tới bệnh viện ở tỉnh Wakayama (Oa-ca-y-a-ma), phía Tây Nhật Bản, nơi có một bác sĩ và một bệnh nhân do bác sĩ này điều trị bị nhiễm bệnh COVID-19 (nCoV).  

Ngoài ra, Bộ trưởng Kato cũng kêu gọi người già và những người mắc bệnh mãn tính gọi tới các đường dây nóng nếu có các triệu chứng như ho và sốt. Những người nghi nhiễm nCoV sẽ được chỉ dẫn tới các cơ sở y tế phù hợp.  

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản  Yoshihide Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực nhanh chóng thu thập các dữ liệu dịch tễ học về nCOV, trong đó có con đường lây nhiễm của virus này. Ngoài ra, nhà chức trách Nhật Bản cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng theo kế hoạch khẩn cấp mà chính phủ đã công bố hôm 13/2. Kế hoạch này nhằm tăng cường sự phối hợp tác giữa các địa phương và tăng năng lực xét nghiệm, chữa trị bệnh COVID-19 (nCoV). 

Trước đó, ngày 13/2, MHLW đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì COVID-19 (nCoV) là một cụ bà 80 tuổi, trú tại tỉnh Kanagawa (Ca-na-ga-oa), phía Tây Nam thủ đô Tokyo. Người này chưa từng ra nước ngoài và chỉ được phát hiện nhiễm nCoV sau khi đã tử vong.  

Tính đến ngày 13/2, tại Nhật Bản đã có 1 trường hợp tử vong và 251 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó có 218 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess.

Không đáng lo tới mức là 'bề nổi của tảng băng chìm'

Mặc dù số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng, một chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/2 cho biết đã có những tín hiệu cho thấy mối lo ngại dịch lan rộng ở các nước bên ngoài Trung Quốc  không đến mức là “bề nổi của tảng băng chìm” như người ta vẫn e ngại. 

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, bác sĩ Michael Ryan (Mai-cơn Rai-ơn), Giám đốc chương trình Y tế khẩn cấp của WHO phát biểu rằng ông không nhận thấy dịch lan nhanh bên ngoài Trung Quốc, đồng thời  kêu gọi các tổ chức liên quan không nên đưa ra các nhận định vội vã. 

Bác sĩ Ryan cũng cho biết số liệu mới nhất về dịch bệnh phản ánh sư tăng vọt số ca nhiễm bởi có sự thay đổi trong cách chẩn đoán và báo cáo của Chính phủ Trung Quốc. 

Hiện ở riêng tỉnh Hồ Bắc, các chuyên gia y tế được phép xếp những ca nghi nhiễm dịch COVID-19 thành ca nhiễm có qua chẩn đoán lâm sàng sau khi có kết quả chụp hình ảnh phổi mà không cần phải kiểm chứng qua phòng thí nghiệm nữa, WHO cho biết. 

Với cách làm này, các bác sĩ có thể đưa ra báo cáo nhanh hơn và người bệnh được trợ giúp nhanh hơn đồng thời cơ quan y tế cũng có thể đưa ra các biện pháp mới nhanh hơn.

Trung Quốc khẳng định cuộc chiến chống dịch bệnh đạt kết quả tích cực

Ngày 13/2, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân (Zhang Jun) khẳng định những nỗ lực của nước này trong công cuộc chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) đang đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo khái quát về những nỗ lực của Trung Quốc trong công cuộc chống COVID-19 (nCoV) tại phiên họp thứ 58 của Ủy ban Phát triển xã hội LHQ, Đại sứ Trương Quân cho biết Trung Quốc đã huy động mọi nguồn lực, cũng như áp dụng những biện pháp kiểm soát và phòng ngừa toàn diện và khắt khe nhất trong việc đối phó với những thách thức lớn.

Trung Quốc đã xây dựng 2 bệnh viện mới trong vòng 10 ngày tại khu vực trung tâm thành phố Vũ Hán (Wuhan), hiện đang là tâm dịch. Khoảng 20.000 nhân viên y tế giàu kinh nghiệm trên khắp cả nước và một lượng lớn các vật tư y tế đã được chuyển tới tuyến đầu, song song với việc công tác nghiên cứu và phát triển dược phẩm được đẩy mạnh. Ông nhấn mạnh với những nỗ lực trên, tình hình đã có sự chuyển biến tích cực. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố của Ủy ban Y tế Hồ Bắc cũng cho biêt thêm số ca nhiễm mới trong ngày 11/2 tại tỉnh là 1.638 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở vùng tâm dịch lên con số 33.366.
Như vậy, theo số liệu trước đó của nhà chức trách Trung Quốc cùng với số liệu vừa được tỉnh Hồ Bắc công bố, số ca tử vong mới do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục đến nay là 1.110 người.

Theo thông cáo báo chí ngày 11/2, Tỉnh ủy Hồ Bắc đã đưa ra quyết định cách chức Bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Trương Tấn (Zhang Jin) và Chủ nhiệm Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Lưu Anh Tư (Liu Yingzi).

Dư luận cho rằng các quan chức này không đủ khả năng nhận thức, đặc biệt sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người được cho là đưa ra những cảnh báo đầu tiên về nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra tại Vũ Hán. Ông đã qua đời do nhiễm virus 2019-nCoV. 

Cũng theo Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm mới tại tỉnh là 2.097 người. Theo ủy ban này, tỉnh Hồ Bắc đã xác nhận tổng cộng 31.728 trường hợp nhiễm 2019-nCoV, trong đó có 974 ca tử vong.

Trước đó , các hãng tin quốc tế sáng 11/2 dẫn thông báo từ Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cho biết tỉnh này đã ghi nhận thêm 103 trường hợp tử vì viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, nâng tổng số người thiệt mạng tại Trung Quốc lên 1.011 người.

Tính tới cuối ngày 10/2, tỷ lệ tử vong là 3,07%. Hiện vẫn còn tổng cộng 16.687 ca nghi nhiễm bệnh. Tỉnh Hồ Bắc ngày 10/2 đã cam kết xét nghiệm tất cả những trường hợp nghi nhiễm nCoV trong vòng một ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

  Ngọc Biên/TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến