(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của trang worldometers.info, đến khoảng 8h sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 5.781.761 người, trong đó có 356.838 ca tử vong. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, đến 8h sáng 27/5, tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 5.678.046 người, trong đó có 351.667 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.725.148 ca, và số ca tử vong đã lên tới 100.579 ca.
Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.745.801 ca, và số ca tử vong đã lên tới 102.107 ca. Tiếp đó là Brazil ghi nhận 411.821 ca nhiễm và 25.598 ca tử vong; Nga với 370.680 ca nhiễm và 3.968 ca tử vong; Tây Ban Nha với 283.849 ca nhiễm và 27.118 ca tử vong; Anh có 267.240 ca nhiễm và 37.460 ca tử vong.
Bộ Y tế Brazil cho biết đã xác nhận 1.086 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo đó, nước này ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục chiều hướng giảm ở nhiều nước trên thế giới, chính phủ nhiều nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa, hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tại Mỹ, Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà" và dự kiến bắt đầu giai đoạn một mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29/5 và kéo dài đến hết ngày 24/7. Động thái này diễn ra sau khi thủ đô Washington D.C đã trải qua hơn 14 ngày ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 "giảm liên tục".
Theo đó, người dân không còn bị giới hạn phải ở trong nhà, nhưng khi đi ra ngoài vẫn phải giữ giãn cách tối thiểu 2 mét và không được tập trung theo nhóm quá 10 người. Việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài tiếp tục được khuyến khích. Các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu được phép hoạt động với các dịch vụ giao nhận hàng, không được phục vụ khách hàng bên trong cửa hàng. Các hoạt động thể thao tiếp xúc trực tiếp như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục… vẫn bị cấm. Ngoài ra, thành phố sẽ đưa ra hướng dẫn đối với hoạt động của các trường đại học vào ngày 1/7 tới.
Tính đến nay, thủ đô Washington D.C đã ghi nhận 8.406 ca mắc COVID-19 với 445 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico dự kiến dỡ bỏ giãn cách xã hội vào ngày 31/5. Tuy nhiên, chính quyền các bang có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bổ sung tùy thuộc diễn biến dịch tại địa phương. Bộ Y tế Mexico thông báo tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên đến 78.023 người, trong đó có 8.597 ca tử vong, tăng tương ứng 3.457 ca mắc và 463 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Tại Brazil, Thống đốc bang Sao Paulo, Joao Doria ngày 27/5 cho biết các hoạt động ở bang này sẽ được mở lại theo từng giai đoạn từ ngày 1/6 và sẽ có những điều chỉnh phù hợp tùy theo diễn biến thực tế của dịch COVID-19. Theo dự kiến, việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội tại bang này sẽ được chia thành 5 giai đoạn, trước mắt triển khai tại những nơi có số ca nhiễm giảm và bệnh viện có đủ số giường điều trị cho bệnh nhân. Thống đốc Doria cam kết các giai đoạn này sẽ được chia theo sự hướng dẫn của giới khoa học và y tế, cũng như dựa trên các số liệu kỹ thuật liên quan tình hình dịch bệnh. Tới nay bang Sao Paulo đã ghi nhận 86.017 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.423 ca đã tử vong.
Tại châu Âu, Hy Lạp sẽ cho phép du khách từ hơn 20 quốc gia tới nước này kể từ giữa tháng 6 mà không cần phải cách ly, một phần trong việc nới lỏng dần các hạn chế phòng dịch. Trong số các nước này có Cyprus, Israel, các nước Trung Âu và khu vực Balkan. Danh sách đầy đủ sẽ được công bố trong tuần này. Công dân Đức sẽ được phép tới Hy Lạp từ ngày 15/6, trong khi các chuyến bay quốc tế tới thành phố Thessaloniki ở miền Bắc sẽ nối lại cùng ngày đó, sớm hơn kế hoạch ban đầu là ngày 1/7.
Tại Nga, chính quyền thành phố Moskva, tâm dịch ở nước này, đang xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều ngày qua, sau khi Tổng thống Vladimia Putin ghi nhận chính quyền thành phố đã tránh được"kịch bản xấu nhất", và tình hình tại thành phố này đã thực sự ổn định trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm, số bệnh nhân bình phục và xuất viện nhiều hơn số ca nhập viện.
Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel sau cuộc tham vấn với thủ hiến 16 bang một lần nữa kêu gọi người dân không chủ quan về tình hình dịch bệnh, cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định về giãn cách xã hội, cũng như đảm bảo các điều kiện vệ sinh dịch tễ để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan. Nhà lãnh đạo Đức cho biết chính quyền các bang hiện có thể đưa ra "quyết định độc lập" tùy theo tình hình lây nhiễm tại địa phương.
Bên cạnh đó, bà cùng thủ hiến các bang cũng nhất trí duy trì và áp dụng các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m, đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, cũng như kích hoạt một cơ chế khẩn cấp nếu phát hiện có hơn 50 ca nhiễm mới trong vòng 7 ngày tại một khu vực.
Tại châu Á, Indonesia đã có kế hoạch mở cửa trở lại các thánh đường Hồi giáo tại các khu vực tương đối an toàn, song các địa điểm này sẽ phải tuân thủ các hướng dẫn về y tế trong giai đoạn “bình thường mới”.
Theo Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Fachrul Razi, việc mở lại các địa điểm cầu nguyện sẽ phải tuân theo trình tự tiêu chuẩn “bình thường mới” được Tổng thống công bố hôm 15/5. Thị trưởng và huyện trưởng có thẩm quyền cấp phép mở lại các thánh đường dựa trên tình hình dịch bệnh của từng khu vực, tuy nhiên hằng tháng có thể thu hồi hoặc cấp phép bổ sung.
Minh Châu/TTXVN