Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 22/12

Thứ Ba, 22/12/2020, 22:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 22/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 77.867.910 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.712.172 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 54.758.958 người.

Dịch COVID-19: Đức kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Anh và Nam Phi

Dịch COVID-19: Đức kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Anh và Nam Phi

Ngày 22/12, Đức đã kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Vương quốc Anh, vùng Bắc Ireland và Nam Phi cho đến ngày 6/1/2021.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 326.843 ca tử vong trong tổng số 18.480.216 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 146.195 ca tử vong trong số 10.078.629 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 187.322 ca tử vong trong số 7.264.221 bệnh nhân. Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 161 người tử vong. Tiếp đến là Italy với 114 người và Peru với 113 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 522.900 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 486.700 ca tử vong trong hơn 14,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 333.700 ca tử vong trong hơn 18,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 211.800 ca tử vong trong hơn 13,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 87.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 59.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 944 người.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, D.C. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 22/12, Đức đã kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Vương quốc Anh, vùng Bắc Ireland và Nam Phi cho đến ngày 6/1/2021 sau khi xuất hiện thêm những ca mắc biến thể VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 ở những khu vực này.

Theo quyết định trên, những người có thẻ cư trú ở Đức có thể trở về nước từ ngày 1/1/2021, trong khi những du khách đã tới Đức từ những nước có ca mắc biến thể VUI-2020/12/01 hoặc những người đã ở những nước này trong 10 ngày qua sẽ được yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Các quy định cách ly hiện hành đối với những du khách đến từ những khu vực rủi ro này tiếp tục có hiệu lực. Như vậy, hiện đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông báo đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh do lo ngại về biến thể VUI-2020/12/01.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) cùng ngày khuyến cáo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đang áp đặt với những người đến từ Vương quốc Anh, nhằm cho phép nối lại các chuyến đi quan trọng. Thông báo từ EC nêu rõ: "Các lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không và đường sắt cần được dỡ bỏ vì nhu cầu đảm bảo hoạt động đi lại thiết yếu và tránh làm gián đoạn chuỗi dây chuyền cung ứng".

Chú thích ảnh
Vận chuyển bệnh nhân ở Italy

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ triệu tập cuộc họp gồm đại diện các nước thành viên để thảo luận về các chiến lược chống lại biến thể VUI-2020/12/01 - được cho là có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với virus SARS-CoV-2. Cho rằng đây là tiến trình bình thường trong sự tiến hóa của đại dịch, WHO kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp chống dịch, tính toán thận trọng việc hạn chế đi lại để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng vẫn nên duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và các hoạt động đi lại cần thiết khác.

WHO cũng khẳng định chưa có đủ thông tin để xác định liệu biến thể mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 hiện nay không và các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.

Liên quan biến thể mới của virus SARS-CoV-2, ngoài Đức, hiện đã có ít nhất 5 quốc gia khác, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Thụy Sĩ, Saudi Arabia và Hà Lan, đình chỉ các chuyến bay từ Nam Phi sau khi phát hiện biến thể 501.V2 tại nước này. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết bộ này gần đây nhận thấy một số lượng lớn những người trẻ tuổi không có triệu chứng nhiễm bệnh, nhưng sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bằng chứng đã được đối chiếu cho thấy rằng biến thể mới này là một trong những tác nhân kích thích làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát tại đây.

Chú thích ảnh

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Hungary Gergely Gulyas cho biết làn sóng dịch COVID-19 thứ hai dường như đã lên đến đỉnh tại nước này. Tính tới ngày 22/12, Hungary ghi nhận tổng cộng 306.368 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.462 ca tử vong và 108.676 bệnh nhân phục hồi. Riêng trong ngày 22/12, Hungary ghi nhận thêm 1.238 ca nhiễm mới, song có hơn 7.000 người vẫn đang được điều trị, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế của nước này.

Theo ông Gulyas, Chính phủ Hungary sẽ tiếp tục các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban ngày và ban đêm cho đến ít nhất ngày 11/1/2021, ngoại trừ việc dỡ bỏ tạm thời lệnh giới nghiêm vào ngày Giáng sinh 24/12. Ông Gulyas cho biết Hungary sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer của Mỹ vào ngày 27/12 sau khi nhận lô vaccine đầu tiên gồm 5.500 liều.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết từ ngày 26/12 tới, nước này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h (sớm hơn 2 giờ so với hiện nay), đồng thời các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Các trường học sẽ mở cửa trở lại sau ngày 10/1/2021. Các số liệu về dịch bệnh tại Luxembourg đã được cải thiện nhưng tình hình trong khu vực vẫn đáng lo ngại khi số ca mắc mới tại các quốc gia láng giềng vẫn gia tăng.

Bộ trưởng Tài chính Slovakia Eduard Heger đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành quan chức thứ 6 trong chính phủ nước này nhiễm bệnh, sau khi Thủ tướng Igor Matovic cũng mắc COVID-19 hồi tuần trước. Bộ trưởng Heger sẽ tự cách ly tại nhà, ông không có triệu chứng bệnh.

Do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis sẽ đọc thông điệp mừng Giáng sinh 2020 ở bên trong Tòa thánh thay vì đọc từ ban công chính ở Vương cung thánh đường Basilica. Ngoài thông điệp này, 5 bài phát biểu khác trong thời gian từ ngày 26/12 đến 6/1/2021 cũng dự kiến được Giáo hoàng đọc trong phòng thay vì ngoài trời. Vì các biện pháp hạn chế, Giáo hoàng sẽ không thể đến Quảng trường Thánh Peter. Tuy nhiên, bài chúc mừng của ông sẽ được truyền trực tiếp trên mạng xã hội và truyền thông đại chúng.

Tại châu Á, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng kể từ ngày 12/4. Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih-chung), người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 này là bạn của một người từng mắc căn bệnh này trước đó.

Trong khi đó, Cơ quan Du lịch ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết lễ hội đếm ngược chào đón Năm mới, một trong những sự kiện được mong đợi nhất trong năm, sẽ được tổ chức trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành. Theo cơ quan trên, đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức trực tuyến.

Mọi người sẽ có thể đếm ngược thời gian đón Năm mới tại nhà với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính. Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong đã công bố thêm 63 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 22/12, nâng tổng số ca mắc tại Hong Kong lên 8.300 ca. Số ca mắc mới bao gồm cả 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng, với 13 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm, và 2 ca nhập cảnh từ Anh.

Thái Lan đang trở thành điểm nóng dịch COVID-19 ở Đông Nam Á khi nước này ngày 22/12 ghi nhận thêm 427 ca mắc COVID-19, trong đó có 397 lao động nhập cư, 14 người trong khu cách ly và 16 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 5.716 ca.

Liên quan ổ dịch COVID-19 tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon giáp với Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã giao cho Bộ Y tế chuẩn bị đợt phong tỏa mới trong trường hợp dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo Chính phủ Thái Lan, có khoảng 1.000 người buôn bán hải sản từ 22 tỉnh thường xuyên đến khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon.

Chú thích ảnh
Khu chợ hải sản ở Samut Sakhon bị phong tỏa bằng hàng rào thép gai. Ảnh: Thairath

Trong khi đó, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) - bà Yuriko Koike cảnh báo dịch bệnh có thể lây lan mạnh vào dịp nghỉ lễ đón Năm mới theo Dương lịch, đồng thời kêu gọi người dân nên hạn chế ra khỏi nhà. Để hỗ trợ y tế trong 6 ngày nghỉ tết từ ngày 29/12 đến 3/1/2021, Chính quyền Tokyo quyết định sẽ hỗ trợ chi phí điều trị cho các cơ sở y tế khi họ tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian này.

Mức độ hỗ trợ là 300.000 yen (khoảng 2.900 USD) đối với ca nặng và 70.000 yen (khoảng 680 USD) đối với ca nhẹ. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng quyết định hỗ trợ tài chính cho các cơ sở y tế khám, điều trị các ca sốt nghi nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian này cũng như các nhà thuốc phải mở cửa phục vụ người dân.

Tại châu Phi, Chính phủ Maroc cũng ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc và một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác nhằm khống chế dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 21h hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Các biện pháp chống dịch, bao gồm cả lệnh cấm ăn uống và tụ tập nơi công cộng, sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần kể từ ngày 23/12. Hiện Maroc ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc COVID-19/ngày. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 418.000 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 7.000 ca tử vong./.

    Thanh Phương (TTXVN)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến