(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tính tới sáng cùng ngày, trên thế giới đã ghi nhận hơn 83.000 ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, vượt tổng số ca nhiễm ghi nhận tại Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát dịch bệnh.
Tiếp tục cập nhật các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên diện rộng, ngày 16/3, Đức đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ. Các biện pháp này được đánh giá là cần thiết khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Tây Âu này đang tăng mạnh.
Người phát ngôn WHO cho biết tới nay, virus SARS-CoV-2 đã lây lan sang 146 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 với Italy là "ổ dịch" lớn nhất. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 16/3 cảnh báo Italy đang phải chuẩn bị đối mặt với đỉnh dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trả lời phỏng vấn của báo giới, Thủ tướng Conte cho biết: "Italy bước vào tuần lễ có tính chất quyết định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, thời điểm của sự hy sinh và những lựa chọn có trách nhiệm của chính phủ …Tôi biết đang yêu cầu rất nhiều, nhưng chúng ta phải chuẩn bị để đối mặt với đỉnh điểm của dịch bệnh".
Đánh giá về những biện pháp hạn chế của Chính phủ Italy, Thủ tướng Conte khẳng định Italy sẽ tránh mọi đình chỉ không cần thiết. Tuy nhiên, chính phủ không cho phép tâm lý chủ quan, mất cảnh giác đối với dịch bệnh. Nếu người dân tiếp tục ở nhà và tránh mọi tiếp xúc rủi ro, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ có hiệu quả cao hơn. Thủ tướng nhấn mạnh đây là thách thức nghiêm trọng nhất của Italy trong thập niên qua, và để chiến thắng trong cuộc chiến này, cần có sự đóng góp có trách nhiệm của tất cả 60 triệu người dân Italy.
Theo Thủ tướng Conte, cần có khoảng thời gian một vài tuần để kiểm chứng hiệu quả các giải pháp của chính phủ, được ban hành theo các chỉ dẫn của các nhà khoa học. Chính phủ Italy sẽ không siết chặt thêm các quy định hạn chế mới, và điều quan trọng hiện nay là thực hiện nghiêm túc những quy định đã được ban hành. Mục tiêu của Italy hiện nay là ngăn chặn hoặc ít nhất là làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh, để có thêm thời gian đảm bảo khả năng quản lý tốt hơn tình trạng khẩn cấp của các cơ quan chức năng trên toàn lãnh thổ Italy.
Với 1.809 ca tử vong và 24.747 ca nhiễm tính tới đêm 15/3, Italy hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại nước này ở mức 5,8%, trong khi độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong và dương tính với virus là 79,4 tuổi. Đến nay có 2 bệnh nhân mắc COVID-19 dưới 40 tuổi đã tử vong.
Ngoài ra, 75% ca tử vong tập trung ở vùng Lombardia. Những bệnh nhân tử vong thường mắc các bệnh lý nền như huyết áp cao (76,5%), tiếp theo là bệnh thiếu máu cơ tim (37,3%), rối loạn nhịp tim (26,5%) và ung thư trong 5 năm gần nhất (19,4%).
Huy Thông - Phương Oanh (TTXVN)