(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến hết ngày 7/4, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng tại các nước thuộc khu vực Trung Đông.
Ngày 12/3, Gabon và Ghana đã xác nhận những ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lần lượt trở thành quốc gia thứ 9 và thứ 10 ở tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi có các ca dương tính với loại virus chết người này.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực, Israel ngày 7/4 thông báo đã ghi nhận tổng cộng 9,248 ca mắc, trong đó 65 người đã tử vong. Việc thiếu trang thiết bị y tế tại phòng xét nghiệm đang buộc Israel phải giảm quy mô xét nghiệm, dù thông báo đang lên kế hoạch sản xuất trong nước. Chính phủ Israel cũng đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng như một biện pháp bắt buộc, trong bối cảnh nước này đã ban bố yêu cầu hạn chế đi lại trong dịp lễ Vượt qua, vốn là dịp để các gia đình Do Thái đoàn tụ.
Bộ Y tế Oman trong thông báo ngày 7/4 cũng cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 371 người. Toàn bộ số ca nhiễm mới đều là công dân Oman. Đến nay Oman đã có 2 ca tử vong do COVID-19. Bộ Y tế Oman kêu gọi mọi công dân tuân thủ quy định về cách li, tránh nơi công cộng hoặc nơi cầu nguyện và thực hiện vệ sinh cá nhân.
Jordan cùng ngày cho hay đã có 4 ca mắc mới được phát hiện tại thủ đô Ammam, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 353 người. Bộ trưởng Các vấn đề truyền thông của Jordan, Amjad Adaileh, khẳng định hiện chính phủ chưa có quyết định về việc lệnh giới nghiêm sẽ được thực hiện khi nào và bao lâu. Ông cũng cho hay chính phủ Jordan đang tìm cách nối lại một số hoạt động kinh doanh trong một vài lĩnh vực.
Trong khi đó, Qatar thông báo đã ghi nhận 225 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2,057, đồng thời cho biết có thêm 19 trường hợp khỏi bệnh. Thông báo của Bộ Y tế Qatar cho hay đã xét nghiệm 3,710 người trong ngày 7/4, nâng tổng số người đã được xét nghiệm đến nay lên 41,818.
Palestine cho biết có tổng cộng 261 ca đã được xác định mắc COVID-19 tại các vùng lãnh thổ. Theo Bộ trưởng Y tế Palestine Mai al-Kaila, trong số 42 trường hợp được chữa khỏi có 36 trường hợp tại Bờ Tây và 6 trường hợp tại Dải Gaza. Bộ Y tế Palestine cho biết đã tiến hành xét nghiệm 15,000 người kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Bờ Tây.
Bộ Y tế Iraq cũng thông báo trong ngày 7/4 đã có thêm 91 ca mắc mới và 1 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 lên thành 1.122 và 65 ca tử vong chết, cũng như 373 người đã được chữa khỏi. Chính quyền Iraq đang thực hiện giới nghiêm trên toàn quốc cho đến hết ngày 19/4 để chống dịch.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tài hầu hết các nước Trung Đông trong bối cảnh giá dầu thô đã ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Điều này sẽ gây áp lực đối với ngân sách của các nước xuất khẩu dầu thô tại khu vực, khi các hoạt động kinh tế đang bị đình trệ do dịch.
Sau phiên họp kéo dài hơn 5 giờ, Hạ viện Cộng hòa Séc ngày 7/4 đã thông qua quyết định cho phép chính phủ có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 30/4 do diễn biến phức tạp hiện nay của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Praha, chính phủ Séc ban đầu dự kiến gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/5. Tuy nhiên, các đảng đối lập muốn thời gian ngắn hơn, thậm chí có đảng đề xuất tối đa chỉ thêm 2 tuần. Các chính trị gia cũng cho rằng Hạ viện có thể triệu tập họp nếu cần thiết để điều chỉnh thời hạn tình trạng khẩn cấp.
Do việc áp dụng tình trạng khẩn cấp, chính phủ Séc ban đầu đã ban hành hầu hết các biện pháp nhằm hạn chế quyền tự do đi lại hoặc đóng cửa một số lượng lớn cửa hàng và cấm một loạt hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó những biện pháp này đã được chuyển đổi thành quyết định của Bộ Y tế theo Đạo luật Bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tính đến 22h30 ngày 7/4 theo giờ địa phương, CH Séc đã ghi nhận tổng cộng 4.944 trường hợp mắc COVID-19, với 88 người tử vong.
* Cũng trong ngày 7/4, Tổng thống Romania Klaus Iohannis thông báo sẽ ban hành quyết định mới vào tuần tới để kéo dài tình trạng khẩn cấp ở nước này thêm 1 tháng.
Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Ludovic Orban, Tổng thống Iohannis nêu rõ: "Chúng tôi đã kết luận rằng sẽ cần phải gia hạn tình trạng khẩn cấp. Tôi đã yêu cầu Chính phủ đưa ra các đề xuất để đưa vào quyết định này. Tuần này chúng tôi sẽ xây dựng văn bản pháp lý và vào đầu tuần tới, tôi sẽ ban hành một quyết định mới, sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng. Đây là giai đoạn cần thiết để kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh bùng phát thêm".
Hôm 16/3, Romania đã ban bố tình trạng khẩn cấp để cho phép chính quyền thực thi các biện pháp nghiêm ngặt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
TTXVN