(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 15/11 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 54.318.729 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.318.038 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 37.866.598 người.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 18 giờ ngày 14/11 đến 6 giờ ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh, đã được cách ly ngay.
Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 11.226.038 ca nhiễm và 251.256 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 8.814.902 ca nhiễm và 129.674 ca tử vong, tiếp đó Brazil với 5.848.959 ca nhiễm và 165.673 ca tử vong.
Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 15/11 cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 208 ca nhiễm mới, trong đó có 176 ca lây nhiễm nội địa, nâng tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên 28.546 ca, trong đó có 493 ca tử vong. Giới chức y tế cho rằng nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày qua là do các ổ dịch từ hoạt động tụ tập của người dân, khiến việc xác định con đường lây lan trở nên khó khăn.
Tại châu Âu, Chính phủ Áo ngày 15/11 thông báo sẽ khôi phục các hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nêu rõ từ ngày 17/11 tới ngày 6/12, tình trạng phong tỏa mới sẽ được tái áp đặt như trước.
Trong những ngày qua, số ca mới mắc COVID-19 ở Áo đã tăng nhanh hơn hai quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ và CH Séc, với khoảng 10.000 ca mới trong ngày 13/11. Tình trạng hiện nay đang tạo ra sức ép lớn với hệ thống y tế của Áo, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1.700 ca.
Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ban hành chỉ thị mới bổ sung thêm 2 vùng là Campania và Toscana vào danh sách vùng đỏ - vùng có rủi ro cao nhất về dịch COVID-19. Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 15/11. Các khu vực vùng đỏ sẽ bị phong tỏa với các quy định: đình chỉ các hoạt động ra, vào khu vực và các hoạt động di chuyển trong khu vực (trừ các trường hợp cần thiết, khẩn cấp); đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, quán bar, nhà hàng (trừ các trường hợp phục vụ tại nhà và mang đi); đình chỉ các hoạt động thể thao; bắt buộc giảng dạy trực tuyến đối với bậc học từ THPT trở lên…
Tại Bỉ, tình hình dịch COVID-19 dường như đã qua đỉnh dịch của đợt bùng phát lần hai với gần 1.500 bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu. Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo đã quyết định duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt thêm 2 tuần nữa do tình hình vẫn nghiêm trọng. Với dân số chỉ 11,5 triệu dân, kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, quốc gia nhỏ bé được mệnh danh là “Trái tim châu Âu” này có tổng cộng 525.012 ca nhiễm và 14.106 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico ngày 14/11 thông báo số ca mắc COVID-19 đã vượt 1 triệu người với 2.859 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy, đây là quốc gia thứ 11 trên thế giới vào danh sách các nước có số ca nhiễm hơn 1 triệu. Số ca tử vong đã tăng thêm 625 ca lên 98.259 ca. Từ đầu tháng 10, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trở lại tại Mexico khi nước này bước vào mùa Đông. Mexico là một trong số ít quốc gia trên thế giới không áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như phong tỏa , mà chỉ khuyến cáo người dân thực hiện giãn cách xã hội. Hiện Mexico có số ca tử vong cao thứ tư thế giới.
Tại châu Phi, ngày 14/11, các hoạt động đi lại và giao thương giữa Tunisia và Libya đã được nối lại, sau khi Chính phủ Tunisia dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới áp đặt từ 7 tháng trước để ngăn COVID-19 lây lan.
Đặng Ánh - TTXVN