(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 23/4, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Pháp đã lên tới 21.856 người - tăng 516 trường hợp so với ngày 22/4, bao gồm 13.547 ca tử vong ở các bệnh viện (tăng 311 ca) và 8.309 ca tử vong ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 205 ca).
Giới chức y tế Pháp tối 20/4 thông báo, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở nước này đã lên tới 20.265 người, tăng 547 trường hợp so với một ngày trước đó.
Pháp cũng ghi nhận tổng cộng 29.219 người mắc COVID-19 đang được điều trị ở các bệnh viện - giảm 522 bệnh nhân so với ngày 22/4, trong đó có 5.053 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt - giảm 165 ca.
Cùng ngày, Tổng thống Emmanuel Macron đã bày tỏ mong muốn "tăng cường sự tự chủ chiến lược" của Pháp trong sản xuất công nghiệp, và đề cập đến một mục tiêu "chủ quyền". Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu, ông Macron tuyên bố, Pháp sẽ "tổ chức lại các chuỗi sản xuất".
Liên quan đến chủ quyền của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp nhấn mạnh sự cần thiết "phải tiến xa hơn, mạnh mẽ hơn". Ông Macron cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện, cả về cung lẫn cầu.
Với lời đề nghị tinh thần đoàn kết "có tổ chức và mạnh mẽ", Tổng thống Pháp kêu gọi EU đưa ra quyết định "sớm và mạnh mẽ". Ông cũng bảo vệ quan điểm phân bổ ngân sách cho những khu vực và ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 - một biện pháp cho đến nay "chưa đạt được đồng thuận".
EU đã đồng ý giải ngân gói hỗ trợ kinh tế trị giá 500 tỷ euro. Theo kế hoạch sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6, Ủy ban châu Âu sẽ tái tài trợ các cơ chế bảo hiểm thất nghiệp một phần của các quốc gia thành viên. Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng sẽ cung cấp các khoản vay cho những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuối cùng, Cơ chế Ổn định châu Âu (MES), được thiết lập vào năm 2012 để xử lý những cuộc khủng hoảng tài chính, sẽ được điều chỉnh để phù hợp với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo trong ngày 23/4, nước này đã ghi nhận thêm 2.646 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 189.973 người. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 464 trường hợp, lên 25.549 người. Ngoài ra, Italy cũng có thêm 3.033 bệnh nhân hồi phục sức khỏe, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 57.576 người.
Cũng theo cơ quan trên, số người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Italy hiện là 106.848 trường hợp, giảm 851 ca so với ngày 22/4 (107.699). Trong khi đó, số bệnh nhân phải điều trị tích cực cũng tiếp tục giảm 117 ca xuống còn 2.267 người.
Liên quan đến tình hình COVID-19, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tờ Thế giới (die Welt) tối 23/4 (theo giờ địa phương) dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel cho biết, Chính phủ liên bang Đức và các tiểu bang có thể sẽ không đưa ra quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trước ngày 6/5.
Thủ tướng Merkel cho rằng, công tác đánh giá những tác động từ quyết định nới lỏng một số hạn chế mới vừa bắt đầu, và phải được thực hiện sau khoảng 2 tuần. Theo bà Merkel, các quyết định nới lỏng khác sẽ có hiệu lực muộn hơn, và “điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể sẽ thảo luận về những câu hỏi này vào ngày 6/5”.
Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các tiểu bang cũng sẽ trao đổi về những chủ đề quan trọng khác vào ngày 30/4.
Trước đó, sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Đức từ ngày 20/4 đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Linh Hương - Huy Thông - Thanh Bình/TTXVN