(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện nay nhiều nước buộc phải tăng cường các biện pháp phòng dịch hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh, trong khi nhiều nước khác bước vào giai đoạn nới lỏng.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 29/7, thế giới đã ghi nhận 16.956.288 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 664.602 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Mỹ nhiều nhất, chiếm 1/4 số ca toàn thế giới (4.500.130 ca), trong khi số ca nhiễm tại Mexico tương đương 1/2 tại Mỹ (2.484.649 ca), đứng thứ hai thế giới.
Ngày 29/7, Romania đã công bố gói biện pháp mới nhằm ngặn chặn virus lây lan như giảm giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng và bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực ngoài trời tập trung đông người, sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Trong 8 ngày qua, Romania ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, theo đó tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 48.000, với hơn 2.200 ca tử vong.
Tại Đức, chưa đầy 2 tuần nữa học sinh các trường ở thủ đô Berlin sẽ trở lại trường học, tuy nhiên trong bối cảnh số ca lây nhiễm đang có chiều hướng tăng mạnh vài tuần qua, giới chức giáo dục ở Berlin đã quyết định yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong các trường học.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, người đứng đầu Sở giáo dục Berlin Sandra Scheeres cho biết việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở các trường học, tại những nơi như hành lang, cầu thang, khu vực chung và sân chơi. Tuy nhiên, không bắt buộc đeo khẩu trang trong giờ học, giữa các nhóm làm việc và giờ trông trẻ. Hiện giới chức Berlin vẫn cần họp bàn thêm khía cạnh pháp lý đối với yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở trường học này.
Trong ngày 29/7, Đức đã ghi nhận trên 700 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở Đức lên trên 207.000 trường hợp. Bang Nordrhein-Westfalen có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày, với gần 230 ca. Chỉ số lây nhiễm ở Đức hiện là 1,13.
Liên quan việc hỗ trợ quốc tế chống dịch, Chính phủ liên bang Đức thông báo sẵn sàng cung cấp 1,4 triệu bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Liên minh châu Phi (AU). Tại châu Phi hiện nay mỗi ngày có khoảng 20.000 ca nhiễm mới, tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đây, trong khi nhiều nước trong khu vực không thể tiến hành xét nghiệm đại trà do thiếu thiết bị xét nghiệm.
Theo số liệu của Đại học Oxford, tỷ lệ tiến hành xét nghiệm ở Đức hiện là 88,55/1.000 người. Con số này ở Nam Phi hiện là 46,04, Kenya là 4,85, trong khi Nigeria chỉ đạt 1,27.
Liên quan hoạt động đi lại thời kỳ dịch bệnh, Myanmar ngày 29/7 quyết định gia hạn cấm bay đối với các chuyến bay vận tải hành khách quốc tế đến ngày 31/8. Nước này cũng gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch đến ngày 15/8.
Ngược lại, Brazil ngày 29/7 đã mở lại hoạt động đi lại hàng không quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài sau 4 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Khách du lịch từ tất cả các nước đều có thể đến Brazil miễn là có bảo hiểm y tế trong thời gian lưu lại nước này.
Động thái trên của Brazil diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn rất nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, Brazil mở cửa cho hàng không quốc tế sớm hơn so với các quốc gia khác có tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng bằng nước này trong khu vực, như Colombia, Argentina, Peru... hiện vẫn đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại quốc tế.
Trong khi đó, Kuwait từ ngày 1/8 tới sẽ cho phép công dân và người nước ngoài cư trú tại nước này được rời khỏi hoặc đến Kuwait. Tuy nhiên, quyết định này không được áp dụng với cư dân đến từ các nước Bangladesh, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Iran, Nepal.
Từ ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp phép tái nhập cảnh đối với một số người nước ngoài đã có tư cách lưu trú ở nước này với điều kiện họ tuân thủ các quy định, bao gồm tiến hành xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase (PCR).
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, những người đủ điều kiện để tái nhập cảnh gồm các sinh viên quốc tế, các thực tập sinh kỹ thuật và nhân viên của các công ty có trụ sở ở Nhật Bản. Ngoài ra, những người này phải rời Nhật Bản trước khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh được áp dụng.
Hiện tại Nhật Bản đang áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ 146 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Những người nước ngoài cư trú ở Nhật Bản đã rời đi không được phép quay lại nước này trừ một số trường hợp đặc biệt.
Theo đài truyền hình NHK, Nhật Bản đã nhất trí với Việt Nam và Thái Lan về việc cho phép nhập cảnh đối với những người đi lại vì mục đích công việc và bắt đầu nhận đơn xin cấp thị thực dài hạn. Những người này dự kiến đến Nhật Bản vào tháng 8 tới.
TTXVN