(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 9/10 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 36.837.069 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.068.139 ca tử vong. Số ca bình phục là 27.711.683 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 7.839.439 ca mắc và 217.829 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 6.908.603 ca mắc và 106.552 ca tử vong, Brazil với 5.029.539 ca mắc và 149.034 ca tử vong, Nga với 1.272.238 ca mắc và 22.257 ca tử vong.
Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu khi lần đầu tiên, "Lục địa Già" ghi nhận 100.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Ngày càng nhiều nước tái áp đặt các biện pháp chống dịch hoặc đóng cửa biên giới. Chính quyền các cấp ở LB Nga đã đề nghị người dân ở nhà trong tuần này.
Trong khi đó, Tây Ban Nha - quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai ở châu Âu (sau Nga), ngày 9/10 đã ban bố lệnh tình trạng khẩn tại vùng thủ đô Madrid trong 15 ngày tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại Pháp, thêm 4 thành phố gồm Lille, Lyon, Grenoble và Saint-Etienne bị đặt trong tình trạng khẩn cấp sau khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tăng kỷ lục. Theo đó, toàn bộ các quán bar sẽ buộc phải đóng cửa, nhà hàng phải thực hiện nghiêm quy định giãn cách tối thiểu giữa các bàn ăn và số lượng khách phục vụ trong cùng một thời điểm. Quy định hạn chế số lượng người tụ tập nơi công cộng cũng được ban hành.
Cùng ngày, giới chức y tế Thụy Sĩ đã bổ sung một số tỉnh và thành phố của Đức, Áo và Italy vào danh sách các địa phương có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Cụ thể, danh sách của Thụy Sĩ được nối dài với các thành phố Berlin và Hamburg của Đức, các tỉnh Burgenland và Salzburg của Áo và các vùng Campania, Sardinia và Veneto của Italy.
Những người đến từ các khu vực này khi nhập cảnh Thụy Sĩ phải cách ly bắt buộc trong 10 ngày. Trước đó, danh sách này có Canada, Gruzia, Iran, Jordan, Nga, Slovakia và Tunisia. Trong khi đó, tại Phần Lan, chính phủ nước này đã quyết định tái áp đặt quy định hạn chế nhập cảnh đối với công dân đến từ tất cả các nước châu Âu (trừ Vatican) kể từ ngày 12/10. Trước tình hình dịch leo thang, Chính phủ Đức cũng quyết định sẽ triển khai các chuyên gia quân đội hỗ trợ chống dịch tại các thành phố lớn.
Ở khu vực Đông Âu, CH Séc yêu cầu đóng cửa các phòng tập thể thao và tạm ngừng các sự kiện văn hóa trong hai tuần (kể từ ngày 12/10), trong khi Ba Lan quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc kể từ ngày 10/10. Đáng chú ý, Chính phủ Slovakia đã phải triển khai quân đội hỗ trợ các quan chức y tế cộng đồng trong công tác chống dịch.
Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên tại nhiều nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi Nepal đã trở thành nước có số ca bệnh mỗi ngày cao thứ hai tại Nam Á. Cụ thể, Bộ Y tế Indonesia xác nhận trong 24 giờ qua, đã có thêm 4.094 bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 324.658 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 11.677 ca.
Tính đến ngày 9/10, dịch bệnh đã lây lan tại tất cả 34 tỉnh thành của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất với 943 ca. Cùng ngày, Philippines thông báo có thêm 2.996 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 334.770 ca. Trong khi đó, với 83 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Philippines hiện ở mức 6.152 ca.
Thủ đô Manila là khu vực ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất quốc gia Đông Nam Á này trong ngày 9/10 với 1.094 ca. Còn tại Malaysia, Bộ Y tế thông báo thêm 354 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 14.722 ca và 152 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nepal cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á này đã vượt 100.000 ca và số ca nhiễm mới đang tăng với tỷ lệ nhanh hơn cả Pakistan và Bangladesh, là hai nước có số dân đông hơn. Thông báo của bộ trên nêu rõ, sau khi tiến hành 13.279 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và ghi nhận 2.059 ca nhiễm mới cùng 10 ca tử vong, đất nước 30 triệu dân hiện có tổng cộng 100.676 ca mắc COVID-19, trong đó có 600 ca tử vong. Theo hãng tin Reuters (Anh), số ca nhiễm mới theo ngày tại Nepal đang gia tăng và chỉ đứng thứ hai (sau Ấn Độ) tại khu vực Nam Á.
Trong khi đó, trái ngược với làn sóng dịch bệnh gia tăng tại Mỹ, châu Âu và châu Á, Chính phủ Cuba đã thông báo mở cửa du lịch trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn "bình thường mới". Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho biết phần lớn khu vực trong cả nước sẽ mở cửa đón du khách quốc tế bắt đầu từ tuần sau. Tại Cuba, du lịch quốc tế là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu, vì vậy việc ngừng hoạt động của "ngành công nghiệp không khói" này trong năm nay là một tổn thất lớn đối với nền kinh tế của Cuba.
Phan An/TTXVN