(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 4/10 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 35.204.131 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.039.056 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 26.184.579 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 4/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 35.122.276 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.037.524 ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 7.602.249 ca nhiễm và 214.283 ca tử vong. Liên quan đến sức khỏe của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết tình trạng của ông Trump đã cải thiện và không có chuyện Tổng thống phải chuyển giao quyền lực. Trong khi đó, trợ lý Nhà Trắng Nick Luna, trợ lý riêng của Tổng thống Trump, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, nước Nga ghi nhận số ca mắc mới trong ngày lại tăng lên trên 10.000 ca kể từ giữa tháng 5 vừa qua khi đại dịch tái bùng phát. Cụ thể, Trung tâm ứng phó dịch bệnh tại Nga công bố số liệu chính thức cho thấy nước này xác nhận thêm 10.499 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 1.215.001 ca. Như vậy, Nga tiếp tục là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới. Đến nay, trên toàn nước Nga ghi nhận tổng cộng 21.358 ca tử vong do COVID-19 và 979.143 ca được chữa khỏi bệnh.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết có thêm 2.279 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 299.237 ca và 9.529 ca tử vong.
Bộ Y tế Iceland thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới tăng vọt kể từ giữa tháng 9 vừa qua. Số ca nhập viện tăng gấp 7 lần trong hơn 1 tuần. Trong 19 ngày qua, Iceland ghi nhận 663 ca mắc mới, chủ yếu ở thành phố Reykjavik và các vùng xung quanh. Nhà nghiên cứu bệnh dịch Thorolfur Gudnason cho biết số ca mắc mới hàng ngày đều duy trì ở mức 30 tới 40 ca trong những ngày gần đây cho thấy các biện pháp chống dịch hiện tại không đủ để kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, Iceland đã ghi nhận 2.872 ca mắc, trong đó có 10 ca tử vong.
Tại châu Á, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết nước này đặt mục tiêu nhận được tới 500 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho khoảng 250 triệu người vào tháng 7/2021, trong bối cảnh số ca mắc tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới sau Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Cùng ngày, Phó Thủ hiến vùng thủ đô Delhi (Ấn Độ), Manish Sisodia, cho biết tất cả trường học trên địa bàn sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới cuối tháng 10 này do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo sắc lệnh trước đó, các trường học tại Delhi sẽ đóng cửa tới hết ngày 5/10. Delhi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ sáu của Ấn Độ với 287.930 ca mắc, trong đó có 5.472 ca tử vong do COVID-19. Trên quy mô toàn quốc, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 75.829 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này lên 6,55 triệu ca mắc với 101.782 ca tử vong.
Giới chức Sri Lanka đã ban hành lệnh giới nghiêm tại một số khu vực ở Gampaha, ngoại ô thủ đô Colombo, sau khi phát hiện một nữ công nhân của nhà máy sản xuất quần áo mắc COVID-19. Đây là ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được ghi nhận tại Sri Lanka trong nhiều tháng qua. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cho biết tất cả các trường học trên khắp cả nước tiếp tục đóng cửa từ ngày 5/10 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế chặt chẽ và những người không đeo khẩu trang khi ra ngoài sẽ bị xử lý nghiêm. Tới nay, Sri Lanka đã phát hiện hơn 3.300 ca mắc kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào tháng 3. Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này hiện là 13 ca.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 4/10 cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới ngày 3/10, toàn bộ đều là ca nhập cảnh, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng hay ca tử vong mới nào. Tính đến hết ngày 3/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.450 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong, 80.621 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi khỏi bệnh và 195 bệnh nhân đang được điều trị.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo có thêm 47 ca nhiễm mới, giảm so với 75 ca ngày 3/10 và 63 ca ngày 2/10. Như vậy, ngày 4/10 là ngày thứ 4 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 100 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 1 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 4/10, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 421 trong tổng số 24.091 ca mắc COVID-19. Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, từ ngày 13/11 tới, cảnh sát Hàn Quốc sẽ phạt những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên phương tiện giao thông.
Philippines ghi nhận tổng số ca mắc tăng lên tới 322.497 ca sau khi Bộ Y tế nước này công bố thêm 3.190 ca mắc. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong gần 2 tuần. Nước này cũng ghi nhận thêm 100 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 5.776 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tăng thêm 18.065 người lên 273.079 người.
Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 293 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này nên 12.381 ca với 137 người tử vong. Trong số các ca bệnh mới được phát hiện chỉ duy nhất 1 ca nhập cảnh trong khi 292 ca còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại châu Đại dương, số ca nhiễm mới ở bang Victoria, tâm dịch của Australia, đã tăng trở lại ở mức 2 con số. Cụ thể, Victoria có thêm 12 ca nhiễm mới, tăng so với 8 ca ngày 3/10 và duy trì số ca nhiễm ở mức một con số trong hầu hết tuần qua. Tuy nhiên, giới chức bang khẳng định vẫn có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong những tuần tới.
Tại Trung Đông, Bộ trưởng Bảo vệ môi trường Israel Gila Gamliel cùng ngày xác nhận đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà Gamliel là bộ trưởng thứ 4 của Israel mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát cuối tháng 2 năm nay. Đến nay, 3 vị bộ trưởng đã bình phục. Tính đến ngày 4/10, Israel ghi nhận tổng cộng 264.857 ca mắc, trong đó có 1.682 ca tử vong và 191.251 ca đã khỏi bệnh.
Chính quyền Saudi Arabia đã nới lỏng lệnh cấm hành hương tới thánh địa Mecca sau 7 tháng tạm dừng do dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, quyết định được triển khai theo từng giai đoạn cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Nguyễn Hằng/TTXVN