Dịch Covid-19 ngày 2/5: Ấn Độ ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm mới và 3.689 ca tử vong

Chủ Nhật, 2/5/2021, 22:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 152.983.132 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 3.209.156 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 130.291.775 ca. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với tổng cộng 33.147.007 ca nhiễm và 590.721 ca tử vong.       

Dịch Covid-19 đến sáng 2/5: Ấn Độ có hơn 3500 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua

Dịch Covid-19 đến sáng 2/5: Ấn Độ có hơn 3500 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua

Theo trang worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 2/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 152.788.755 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.205.786 ca tử vong. 130.069.129 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 19.513.840 bệnh nhân đang được điều trị.

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 392.488 ca nhiễm và 3.689 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 19.557.457 ca và 215.542 ca tử vong. Ấn Độ đã ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới trong ngày 1/5, mức cao nhất từ trước đến nay ở nước này cũng như trên thế giới. Mặc dù số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh, song Chính phủ liên bang vẫn bác bỏ việc áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn.

Tuy nhiên, bang Haryana áp đặt phong tỏa hoàn toàn 7 ngày trên toàn bang bắt đầu có hiệu lực vào ngày 3/5 và kéo dài trong 1 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Bang này đang trải qua lệnh phong tỏa cuối tuần được áp đặt từ ngày 30/4 và kéo dài đến sáng 3/5. Trong khi đó, bang Delhi đang bị áp đặt lệnh phong tỏa được gia hạn thêm 7 ngày, cho đến ngày 10/5.   

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang chật vật đương đầu với làn sóng dịch bệnh thứ hai, Anh thông báo đang gửi thêm 1.000 máy trợ thở cho Ấn Độ. Đến nay, Anh đã gửi 495 máy tạo ôxy và 200 máy trợ thở tới Ấn Độ. Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác cũng gấp rút hỗ trợ Ấn Độ. Mỹ cuối tuần qua thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD vật tư y tế cho Ấn Độ. Cam kết viện trợ từ Mỹ gồm 1.100 bình oxy, khoảng 20.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và nguyên liệu thô đủ để điều chế khoảng 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Đức cũng đề xuất gửi máy trợ thở và khẩu trang y tế sang giải cứu. Pháp lên kế hoạch chuyển thêm oxy lỏng, còn Nhật Bản cũng khởi động kế hoạch cung cấp máy trợ thở và máy điều chế oxy y tế cho Ấn Độ.   

Một số quốc gia ở Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh trong 24 giờ qua. Cụ thể, Philippines phát hiện 8.346 ca nhiễm mới và 77 ca tử vong, Thái Lan 1.940 ca nhiễm và 21 ca tử vong, Malaysia 3.418 ca nhiễm mới, đặc biệt nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Ấn Độ, Lào 112 ca nhiễm mới, Campuchia 730 ca nhiễm và 6 ca tử vong, Hàn Quốc 606 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, New Zealand đã nhất trí mở lại "bong bóng du lịch" với bang Tây Australia, 24 giờ sau khi đình chỉ các chuyến bay sang bang này, nơi có 3 người ở Perth có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo giới chức New Zealand, nguy cơ lây nhiễm sang New Zealand là không đáng kể và có thể nối lại chuyến bay giữa hai bên vào ngày 3/5.

Tuy nhiên, bất kỳ ai từng ở "những địa điểm đáng lo ngại" theo như xác định của chính quyền bang Tây Australia thì không thể tới New Zealand trong vòng 14 ngày. Đây là lần gián đoạn thứ hai đối với "bong bóng du lịch" giữa New Zealand và Australia kể từ khi hai nước mở chương trình kích cầu du lịch không cách ly từ ngày 18/4, gần 400 ngày sau khi hai bên đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19.     

Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, Jordan thông báo ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Ấn Độ. Đáng chú ý, cả 3 bệnh nhân này chưa từng ra nước ngoài trước đó. 2 ca mắc ghi nhận tại  thủ đô Amman và ca còn lại tại Zarqa. Theo giới chức y tế Jordan, việc xuất hiện biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ là kết quả của quá trình "lây lan đặc biệt" chứ không nhất thiết là do sự xâm nhập từ bên ngoài.       

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bremen, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn Nigeria thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từng ở Brazil, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tuần qua do lo ngại về tình hình dịch bệnh lây lan ở những nước này. Lệnh cấm này không áp dụng đối với những du khách quá cảnh tại 3 nước trên. Trong khi đó, công dân Nigeria và người có thẻ cư trú lâu dài ở Nigeria nếu ở 3 nước trên trong 14 ngày qua, sẽ phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày tại những địa điểm do chính phủ chỉ định sau khi nhập cảnh vào nước này. Tất cả hành khách tới Nigeria sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trước 72 giờ thay vì 96 giờ trước đây, trước khi lên máy bay tới nước này. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đến nay ghi nhận hơn 165.000 ca nhiễm và 2.063 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.   

Tại châu Âu, Đức cho biết chiến dịch tiêm chủng của nước này đang được đẩy mạnh nhờ số lượng vaccine được chuyển giao ngày càng tăng.     

Để nhanh chóng mở rộng chiến dịch tiêm chủng tại các doanh nghiệp, Bộ Y tế Đức đã lên kế hoạch chuyển giao vaccine cho bộ phận y tế riêng của từng doanh nghiệp và dự kiến từ ngày 7/6 tới, các bác sỹ tại đây sẽ chính thức được phép tiêm chủng cho người lao động. Theo kế hoạch,  ít nhất 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được chuyển giao cho bộ phận y tế doanh nghiệp mỗi tuần.     

Nhờ số lượng vaccine được chuyển giao tăng nhanh, mạng lưới tiêm chủng sẽ được tiếp tục mở rộng để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi các đội tiêm chủng lưu động và hơn 400 trung tâm tiêm chủng khu vực tại các bang đi vào hoạt động, tại Đức hiện đã có hơn 60.000 cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Số lượng người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã tăng mạnh trong tuần qua với tỷ lệ 26,9% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 7,7% được tiêm đủ hai mũi theo số liệu ngày 30/4. Theo kế hoạch của Bộ Y tế Đức, từ tháng 6 tới, mỗi tuần dự kiến sẽ có hơn 3 triệu liều vaccine Biontech/Pfizer được chuyển giao cho các cơ sở tiêm chủng. Đức ghi nhận 16.290 ca mắc COVID-19 mới và 110 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh và số bệnh nhân không qua khỏi lần lượt là hơn 3,4 triệu và 83.192 người.

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến