(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 16/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 29.812.177 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 940.776 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 21.614.648 người.
Ngày 16/9, Ukraine thông báo ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay, với 76 trường hợp.
Tại Ấn Độ, tâm dịch châu Á, số bệnh nhân COVID-19 đã vượt ngưỡng 5 triệu ca, trong đó hơn 82.000 ca tử vong. Theo số liệu mới nhất, tổng số ca nhiễm là 5.060.818 ca và 82.504 ca tử vong. Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ (hơn 6,7 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 200.000 ca tử vong). Số ca mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động và tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày hiện ở mức cao nhất trên thế giới. Hiện cứ 6 ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ. Tình trạng này đã gây áp lực cho các bệnh viện trong việc tìm nguồn cung cấp oxy hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết ít nhất 6% trong tổng số gần 1 triệu ca nhiễm đang điều trị ở nước này cần oxy khẩn cấp.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines ngày 16/9 ghi nhận thêm hơn 3.500 ca nhiễm mới ở mỗi nước. Indonesia thông báo thêm 3.963 ca nhiễm mới và 135 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 228.993 ca và 9.100 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm bệnh cao nhất từ trước tới nay tại Indonesia. Indonesia cũng là nước có số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thư ký Tòa thị chính Jakarta, ông Saefullah, đã tử vong sau khi nhập viện vì mắc COVID-19. Ông Saefullah nằm trong số 8 quan chức của chính quyền cấp tỉnh của Indonesia có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Philippines cũng ghi nhận thêm 3.550 ca mắc COVID-19 và 69 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 207.858 và 4.732 ca. Vùng thủ đô Manila là địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất trong ngày 16/9, với 1.459 ca.
Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 200 ca trong ngày thứ 14 ngày liên tiếp, với 113 ca (trong đó 105 ca lây nhiễm trong cộng đồng), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên 22.504 ca. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lo ngại tình trạng nhiều ca mắc không truy vết được nguồn lây nhiễm và sự bùng phát ổ dịch mới. Trong hai tuần qua, số ca không xác định được nguồn lây chiếm tới 25% trong tổng số ca mắc mới.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định cho học sinh các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Seoul và khu vực lân cận trở lại trường từ ngày 21/9 tới. Nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục nước này sẽ hạn chế tối đa số lượng học sinh tới trường đến ngày 11/10 trên toàn quốc, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng các lớp học từ xa.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan ngày 16/9 cho biết các cửa khẩu ở biên giới giữa nước này với Myanmar tạm thời đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như nạn buôn bán ma túy, tuy nhiên các thương nhân vẫn có thể vận chuyển hàng hóa và để hàng hóa tại điểm thu mua ở biên giới mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Tại khu vực Trung Đông, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây, với hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Israel tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước từ ngày 17/9, sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch theo lệnh phong tỏa toàn quốc. Israel đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần sẽ có hiệu lực từ 14h giờ địa phương ngày 18/9, theo đó hầu hết các cửa hàng, những địa điểm văn hóa, giải trí và du lịch sẽ phải đóng cửa. Sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ vẫn mở cửa dưới hình thức hạn chế khi chỉ có các chuyến bay được phê duyệt mới được khai thác.
Tại châu Âu, Ukraine ngày 16/9 ghi nhận số ca tử vong trong theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 76 ca. Tính đến nay, tổng cộng đã có 162.660 ca nhiễm, trong đó 3.340 ca tử vong và 72.324 người đã bình phục. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ukraine đã cấm hơn 1.000 người hành hương Do Thái thuộc phái Hasidic, trong đó có cả trẻ em, nhập cảnh nước này, khiến đoàn người trên bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus. Lực lượng chức năng cho biết những người hành hương này sẽ được cung cấp lương thực, thuốc men và lều trại.
Gruzia và Romania cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh và Y tế công cộng quốc gia Gruzia ngày 16/9 cho biết nước này có thêm 196 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.758 ca và tổng số ca tử vong là 19 ca. Chính phủ Romania cùng ngày thông báo số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày qua đã tăng thêm 1.713 ca, nâng tổng số lên 107.011 ca, và tổng số ca tử vong hiện là 4.285 ca. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, Romania nằm trong số các nước có số ca nhiễm mới tăng nhanh nhất cùng với Tây Ban Nha, Pháp, Malta, Croatia và CH Séc.
Tại CH Ireland, toàn bộ các thành viên trong nội các ngày 15/9 đã thực hiện tự cách ly trong thời gian ngắn sau khi Bộ trưởng Y tế nước này Stephen Donnelly có các triệu chứng nghi mắc COVID-19. Theo đó, Hạ viện Ireland đã ngừng tất cả các cuộc họp trong khi các thành viên nội các hạn chế đi lại vào tối 15/9. Tuy nhiên, sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy Bộ trưởng Donnelly không mắc COVID-19, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho hay toàn bộ nội các và các nghị sĩ sẽ làm việc trở lại bình thường vào ngày 16/9.
Chính phủ Hy Lạp thông báo tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 tại vùng Attica, vốn đang là tâm dịch tại nước này. Trong khi đó, tờ Evening Standard số ra ngày 16/9 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Anh cho biết thủ đô London có thể áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19. Tờ Der Standard của Áo dẫn các nguồn tin Chính phủ Đức cho biết Đức sẽ tuyên bố thủ đô Vienna của Áo là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao vì số ca mắc bệnh tại đây ở mức cao.
Nhận thấy tỷ lệ lây nhiễm chung, cũng như tỷ lệ lây nhiễm tại các viện dưỡng lão trên khắp đất nước đã giảm mạnh, Chính phủ Thụy Điển thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đến thăm người thân, bạn bè tại các viện dưỡng lão vốn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/4 và đã được gia hạn một vài lần, trong đó lần gia hạn gần đây nhất sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/10 tới. Bộ trưởng Y tế và Vấn đề xã hội Lena Hallengren cho biết sẽ không tiếp tục gia hạn biện pháp này, song vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa qua và việc thăm nom cần phải đảm bảo an toàn dịch tễ.
Tại khu vực châu Mỹ, Canada không loại trừ nguy cơ nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai khi trong 7 ngày gần đây, số ca nhiễm mới trung bình đã vọt lên 838 người. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã có 138.803 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.188 ca tử vong. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến theo xu hướng phức tạp, Mỹ và Canada có thể sẽ kéo dài lệnh đóng cửa biên giới giữa hai nước tới ít nhất là cuối tháng 11 năm nay.
Về việc phát triển vaccine, quá trình thử nghiệm vaccine của AstraZeneca được nối lại tại nhiều nước như Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, sau khi bị tạm hoãn do xảy ra một số sự cố. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về vaccine ngừa COVID-19 khi tuyên bố Mỹ có thể có vaccine trong chưa đầy một tháng nữa. Phát biểu trước những cử tri ủng hộ tại bang Pennsylvania, ông Trump khẳng định Mỹ đang tiến rất gần với việc có một loại vaccine ngừa COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ có được, có thể là 3 tuần, 4 tuần".
Trần Quyên/TTXVN